Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Australia gặp Tổng thống Miến Điện


Thủ tướng Julia Gillard đến Sân bay Quốc tế Wattay ở Vientiane, Lào, ngày 4/11/2012.
Thủ tướng Julia Gillard đến Sân bay Quốc tế Wattay ở Vientiane, Lào, ngày 4/11/2012.
Các nhà hoạt động dân chủ đã chỉ trích những cuộc thảo luận có thể làm gia tăng triển vọng của việc nối lại các mối quan hệ quốc phòng giữa Australia với Miến Điện. Tổ chức có tên Chiến dịch Australia cho Miến Điện nói rằng Thủ tướng Julia Gillard không nên thảo luận về quan hệ quốc phòng trong lúc quân đội Miến Điện tiếp tục vi phạm nhân quyền. Những lời chỉ trích được nêu ra sau khi nhà lãnh đạo Australia gặp gỡ Tổng thống Thein Sein của Miến Điện tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu ở Lào. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gởi về bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Julia Gillard đã gặp Tổng thống Thein Sein bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á Aâu tổ chức ở Lào. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên trong vòng 30 năm giữa một vị thủ tướng của Australia với một vị tổng thống của Miến Điện.

Bà Gillard đã nêu lên những mối quan tâm của Australia về nạn chà đạp nhân quyền đang tiếp diễn đối với các sắc dân thiểu số ở Miến Điện. Nhưng bà cũng tán dương việc chính phủ Miến Điện thực thi các biện pháp cải cách dân chủ. Tháng tư năm nay, Miến Điện đã tiến hành cuộc bầu cử quốc hội bổ túc, trong đó lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã đắc cử.

Từ năm 1962 đến năm 2011, quốc gia Đông Nam Á này nằm dưới sự cai trị của một chính quyền quân nhân độc tài và mọi tiếng nói đối lập đều bị đàn áp một cách thô bạo. Vì lý do đó, Miến Điện đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và bị chế tài.

Australia đã hứa rằng nếu Miến Điện tiếp tục cải cách dân chủ, Canberra sẽ giảm thiểu những rào cản thương mại và tiếp tục nới lỏng các biện pháp chế tài.

Bà Zetty Brake, Điều hợp viên của Chiến dịch Australia cho Miến Điện, cho rằng Australia không nên vội vã trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Miến Điện.

Bà Brake cho biết: "Có một điều rất đáng lo ngại là, một mặt, chúng ta thấy bà Julia Gillard lên tiếng phê bình và nêu ra những mối quan tâm về nhân quyền, nhưng mặt khác bà ấy lại nói tới việc xây dựng các mối liên hệ với quân đội Miến Điện, một thực thể đã thực hiện hầu hết những hành vi chà đạp nhân quyền ở nước này."

Các nhà tranh đấu e rằng mối quan hệ ngày càng ấm hơn giữa Australia với Miến Điện có thể làm cho Canberra thu hồi một lệnh chế tài đang được áp dụng. Bà Brake cho rằng vẫn còn những mối quan tâm về sự đàn áp của quân đội Miến Điện đối với những người thiểu số, bất chấp những sự cải cách của Tổng thống Thein Sein.

Bà Brake nói: "Từ tháng 3 năm 2011 tới nay, con số những vụ vi phạm nhân quyền ở các khu vực của người thiểu số đã gia tăng, chứ không hề giảm đi. Vì vậy, vấn đề chà đạp nhân quyền vẫn còn một vấn đề rất nghiêm trọng."

Tháng trước, Hoa Kỳ cho biết họ ủng hộ cho sự tham gia của Miến Điện trong tư cách quan sát viên tại cuộc thao dượt quân sự đa phương lớn nhất ở Á Châu Thái bình dương. Một số các nhà phân tích quân sự cho rằng đây là một bước thiết yếu để xây dựng các mối liên hệ với bộ phận có nhiều quyền hành và nhiều ảnh hưởng nhất của chính phủ Miến Điện. Nhưng các tổ chức nhân quyền đã nêu lên những mối quan tâm về việc quân đội tiếp tục đám nhân quyền.

Thủ tướng Gillard đã mời ông Thein Sein cùng với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đế thăm Australia.

Australia là một trong những nước viện trợ nhiều nhất cho Miến Điện và ngân khoản viện trợ của Canberra sẽ tăng gấp đôi lên tới 100 triệu đô la vào năm 2105.

Theo ước tính, một phần ba trong số 60 triệu dân Miến Điện đang sinh sống đang cảnh nghèo túng.

Quốc gia Đông Nam Á này có 8 sắc dân chính, trong đó người Miến là sắc dân lớn nhất. Sự chế ngự của họ đối với các sắc dân khác, kể cả người Rohingya theo đạo Hồi, đã gây ra nhiều mối căng thẳng và đôi lúc xảy ra những vụ đổ máu, trong lúc Miến Điện chuyển đổi sang thể chế dân chủ sau nhiều thập niên nằm dưới sự cai trị độc tài của chính quyền quân nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG