Đường dẫn truy cập

Hãy chu cấp cho nàng vì nàng đẹp (phần 3)


Nghiên cứu của Edlund và Korn có vai trò rất quan trọng với tư cách là lần đầu tiên chủ đề này được đăng tải trên một tạp chí đầu ngành của kinh tế học. Đương nhiên là lý thuyết này còn quá đơn giản và có nhiều lỗ hổng. Nói như Michael Noer trên báo Forbes thì nghiên cứu này “khiến người ta phải đặt câu hỏi tại sao đàn ông có gia đình rồi lại tìm đến gái mại dâm (thay vì mua sex từ các bà vợ, những người mà theo lý thuyết này thì cung cấp sex với giá rẻ hơn, vì họ rõ ràng là có thể bán tình dục không nhằm mục đích sinh đẻ cho chồng mình và vẫn tiếp tục có gia đình và có con cái như thường)”.

Michael Noer cũng chỉ ra thêm rằng “việc giả định không có “con đường thứ ba” nào khác giữa làm vợ và làm gái mại dâm quả là một giả định có vấn đề, nếu không phải là cực kỳ xúc phạm phụ nữ. Con đường thứ ba, làm việc bình thường nhưng không/chưa lập gia đình, bị loại bỏ vì các tác giả Edlund và Korn giả định rằng mất mát duy nhất mà một phụ nữ phải chịu đựng khi lập gia đình là …không có cơ hội để làm gái mại dâm nữa”.

Michael Noer viết một cách hài hước trong bài báo là “quý vị nhớ nhắc nhở các người bạn nữ giới của mình là họ đã để vuột mất cơ hội gì khi họ đi lập gia đình nhé”.

Tiếp sau nghiên cứu này, có một số công trình khác tiếp tục đưa ra các ý tưởng mới. Một trong các công trình đó là của 3 nữ giáo sư Marina Della Giusta (University of Reading, UK), Maria Laura Di Tommaso (University of Turin, Italy), và Steinar Strøm (University of Oslo, Norway) mang tên “Một lý thuyết khác về mại dâm” (Another theory of prostitution).

Lý thuyết của Guista, Tommaso, và Strøm

Công trình của Guista, Tommaso, và Strøm (2004) đưa ra một cách phân tích khác về thị trường mại dâm. Cách tiếp cận của ba bà không nhất thiết hay hơn hoặc khiêu khích hơn cách tiếp cận của Edlund và Korn nhưng nó đưa ra được khá nhiều kết luận gần với những kết quả thống kê hoặc những quan sát thông thường về thị trường này.

Guista, Tommaso, và Strøm phân tích quyết định của khách làng chơi dựa trên các tham số khác nhau như uy tín của khách làng chơi và việc bị tổn thất uy tín khi đi quan hệ với gái mại dâm, giá cả của dịch vụ, mức độ tình dục miễn phí mà họ được thụ hưởng từ các đối tượng khác (như vợ/chồng, bạn trai/bạn gái, và các mối quan hệ khác mà tình dục không dựa trên việc trao đổi vật chất), mức thu nhập của họ, và nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa hay dịch vụ phi tình dục. Ba bà cũng phân tích hành vi của người tham gia bán dâm dựa trên các tham số như thu nhập từ những nguồn khác không liên quan đến bán dâm, uy tín và mức độ tổn hại uy tín khi bán dâm, và nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa hay dịch vụ phi tình dục.

Dựa trên cách tiếp cận này, Guista, Tommaso, và Strøm chứng minh được một số kết quả khá thú vị. Thí dụ về phía khách mua dâm, càng nhiều tình dục miễn phí thì hoạt động mại dâm càng giảm. Điều này đúng với thực tế ở Mỹ hồi giữa thế kỷ 20 khi thị trường mại dâm đột ngột bị đánh quỵ vĩnh viễn không thể phục hồi lại được. Lý do của sự suy thoái đột ngột này không phải vì nhà chức trách hay bất cứ lý do gì khác, mà là vì cuộc cách mạng tình dục. Cuộc cách mạng này đã khiến những phụ nữ hành nghề mại dâm phải đối mặt với một đối thủ kinh khủng hơn nhà chức trách nhiều lần – đó là những phụ nữ trẻ trung xinh đẹp sẵn sàng cung cấp tình dục miễn phí mà không cần đổi trác gì cả.

Guista, Tommaso, và Strøm cũng chứng minh được rằng chênh lệch trong xã hội càng lớn thì tình trạng mại dâm càng nhiều, và khi các cơ hội kiếm sống ngoài mại dâm càng tốt thì hoạt động mại dâm càng giảm. Kết quả này ít nhiều cũng giống với kết quả của Edlund và Korn và khớp đúng với thực tế là hoạt động mại dâm ở các nước đang phát triển và những nước có bất bình đẳng cao thường có hoạt động mại dâm sôi động hơn.

Tương tự như vậy, các tác giả này cũng chứng minh được rằng về mặt lý thuyết, tổn hại uy tín do việc bán và mua dâm càng lớn thì hoạt động mại dâm càng ít. Ngược lại khi hoạt động mại dâm ít ảnh hưởng tới uy tín của người tham gia thì hoạt động này càng sôi động và giá cả càng rẻ. Đây là một kết luận không có gì đáng ngạc nhiên. Các nghiên cứu của Thorbeke và Pattanaik (2002) và Corso và Trifirò (2003) chỉ ra rằng hiện tượng di chú làm mại dâm tạm thời ở nước khác sau đó quay về quê hương để lập gia đình đang phát triển ngày càng nhiều, đặc biệt là ở Đông Âu và Liên Xô cũ.

Công bằng mà nói, cả hai lý thuyết của Edlund và Korn (2002) và Guista, Tommaso, và Strøm (2004) đều còn khá sơ khai. Phần lớn các kết luận chính mà các tác giả này chứng minh được đến khá giản đơn mà không cần chứng minh nhiều từ cách cấu trúc mô hình và các giả định ban đầu. Thí dụ để giải thích khoảng cách thu nhập giữa người làm mại dâm và người không làm mại dâm, Edlund và Korn giả sử một phụ nữ có thể đi lấy chồng (từ đó vừa được có con vừa có thu nhập) và làm gái (chỉ có thu nhập). Từ giả định này thì không cần phân tích cao siêu cũng ngay lập tức chỉ ra được để một người phụ nữ đi làm nghề mại dâm thì thu nhập của nghề này phải cao hơn là các nghề bình thường vì họ phải từ bỏ những giá trị từ cuộc sống gia đình và con cái.

Trong trường hợp của Guista, Tommaso, và Strøm (2004) cũng vậy, cách các tác giả này mô hình hóa thị trường khiến các kết luận mà họ đưa ra trở nên quá bình thường (trivial). Thí dụ không khó để dẫn tới kết luận nếu sex miễn phí tăng thì hoạt động mại dâm sẽ giảm theo cách mà Guista, Tommaso, và Strøm (2004) mô hình hóa vấn đề.

Còn rất nhiều hiện tượng và vấn đề liên quan đến thị trường này chưa được các nhà kinh tế nghiên cứu đến. Thí dụ cách mà các tham số như nhan sắc, kinh nghiệm, danh tiếng (brand name), cũng như tần suất cung cấp dịch vụ của một người bán dâm ảnh hưởng đến giá cả của dịch vụ mà người đó cung cấp như thế nào. Và nếu có một lý thuyết đưa ra được một quy luật về giá cả như vậy, thì liệu quy luật đó có thể được thực tế xác nhận thông qua các phân tích định lượng dựa trên số liệu thật của thị trường mại dâm hay không? Hay là câu chuyện thiếu thông tin hoặc thông tin bất đối xứng trên thị trường đem lại những trở ngại/rủi ro gì cho các đối tượng tham gia thị trường này, cả về phía cung và cầu? Các đối tượng nào dễ trở thành người cung ứng dịch vụ mại dâm nhất? Các chế tài của nhà nước nên đánh nặng vào phía cung cấp dịch vụ, phía sử dụng dịch vụ, hay phía môi giới dịch vụ, nếu nhà nước muốn giảm bớt các hoạt động này trong xã hội?...

Từ hai công trình trên, đều là của phụ nữ, có vẻ như chỉ có các nhà nghiên cứu kinh tế nữ mới dám liều lăn lộn vào lĩnh vực nhạy cảm này giống như Guista, Tommaso, và Strøm (2004) hay Edlund và Korn (2002). Các nhà kinh tế nam giới có nhiều lý do tế nhị để không tham gia – trong đó chỉ riêng câu chuyện am hiểu quá rõ về thị trường này cũng đã là một vấn đề lớn (nhất là khi các chuyên gia này đang có gia đình).

Thế nhưng mới gần đây thôi lại có một nghiên cứu, lần này là thực nghiệm chứ không phải lý thuyết, từ hai nhà kinh tế tên tuổi là Steven D. Levitt và Sudhir Alladi Venkatesh (2008). Vậy ra, nói một cách hài hước thì, khi nghiên cứu về mại dâm, phụ nữ tập trung vào lý thuyết, còn đàn ông là thực nghiệm. (còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG