Đường dẫn truy cập

Quy định 100 ngàn đồng


Cảnh sát đang thi hành công vụ
Cảnh sát đang thi hành công vụ

Tiếp sau những quy định cấm cảnh sát giao thông không được mang kính đen, núp ở chỗ khuất trong khi thi hành công vụ, ngành cảnh sát giao thông ở TPHCM vừa ra thêm lệnh mới không cho cảnh sát giao thông mang theo quá 100 ngàn đồng tiền mặt lúc làm nhiệm vụ. Đây là một nỗ lực mới nhằm bài trừ nạn mãi lộ, tham nhũng lan tràn trong giới cảnh sát giao thông gây bức xúc công luận. Quy định này mới đưa ra ở miền Nam, nhưng ở phía Bắc đã áp dụng trước đó mà giới hữu trách nói là có hiệu quả, giúp giảm được những tiêu cực trong ngành. Trong cuộc trao đổi với 3 bạn trẻ từ 2 miền Nam-Bắc hôm nay, chúng ta sẽ nghe phản hồi từ phía những người tham gia giao thông, nạn nhân trực tiếp của tình trạng mãi lộ tại Việt Nam, về quy định mới ban hành.

Duy: Mình đang là sinh viên tại Sài Gòn.

Trần Sơn: Tôi là một nhà báo tự do đang ở Hà Nội.

Bình: Tôi là một doanh nhân ở Sài Gòn.

Trà Mi: Báo chí Việt Nam nói quy định cấm CSGT không được mang quá 100 ngàn đồng tiền mặt khi thi hành công vụ được dư luận chú ý và đồng tình. Các bạn trong Nam ghi nhận thế nào?

Duy: Quy định này không hạn chế được nạn đưa và nhận hối lộ.

Bình: Nó giống như một sự che đậy. Bây giờ có quy định 10 ngàn cũng được thôi vì ăn hối lộ đâu nhất thiết phải để tiền trong túi? Có rất nhiều hình thức khác. Tôi thấy quy định này vừa trơ trẽn vừa lố bịch làm sao.

Trà Mi: Quy định này mới ban hành chưa được áp dụng bao lâu, các bạn đã cho là không hiệu quả…

Bình: Thực tế nó giống như chặt tảng băng nổi phía trên, bên dưới vẫn còn nguyên.

Trà Mi: Ở miền Bắc, CSGT đã bị áp dụng quy định này bấy lâu nay. Giới hữu trách cho biết là có hiệu quả và ngăn ngừa được tiêu cực trong ngành. Ở đây có Sơn ở phía Bắc, Sơn thấy thế nào?

Trần Sơn: Tệ nạn mãi lộ vẫn cứ tồn tại. Có ai thống kê được từ sau khi có quy định thì nạn này có giảm đi đâu. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi rằng từ khi áp dụng quy định này đã xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Lưu Quang Hợi, trả lời là chưa thống kê và ông nói chung chung là có giảm. Thế nhưng, để kết luận là có giảm tiêu cực hay không, phải có thống kê cụ thể. Thứ nhất, ngành công an chưa thống kê được. Thứ hai, mới đây một phóng viên báo Tuổi Trẻ bị tước thẻ hành nghề vì đã viết các bài nói về nạn mãi lộ. Rõ ràng là xử lý các vụ mãi lộ thì không có, nhưng các việc tiêu cực vẫn cứ tồn tại. Từ đó, tôi có thể kết luận rằng quy định 100 ngàn đồng không có tác dụng gì cả.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến anh Sơn. Bây giờ xin quay lại với 2 người bạn ở miền Nam. Quy định này vừa đưa ra trong Nam đã khiến các bạn bán tin bán nghi. Những yếu tố nào trong quy định này khiến các bạn cho rằng nó ‘không hiệu quả’ và ‘buồn cười’?

Bình: Ví dụ tôi là CSGT. Với quy định 100 ngàn này, khi tôi nhận hối lộ, thiếu gì cách để tôi tẩu tán. Trên đường đi, tôi chỉ cần ghé vào nhà người quen gửi tiền, hay thậm chí cũng có thể gọi người thân tới, nhờ cầm tiền về nhà. Ai biết được? Đâu phải lúc nào cũng có thanh tra giao thông giám sát thường xuyên. Tôi thấy quy định này buồn cười quá, giống kiểu cho dân chúng biết là ngành công an tích cực chống nạn mãi lộ, tham nhũng. Thật ra, quy định này là một hình thức hợp thức hóa nạn mãi lộ, hối lộ, để công an nhận hối lộ một cách tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Hoàn toàn phản tác dụng!

Trà Mi: Xin mời ý kiến của Duy. Bạn có đồng ý với Bình không, hay có ý kiến riêng nào muốn đóng góp?

Duy: Họ không còn cách nào hữu hiệu hơn để chống tham nhũng, nên họ mới đề ra ‘sáng kiến’ kiểu ‘bắt cóc bỏ dĩa’ này.

Trà Mi: Lúc nãy các bạn có đề cập đến việc làm sao kiểm soát, giám sát việc thực thi. Ngành CSGT ở Hà Nội nói sự giám sát diễn ra giữa đồng đội với nhau mà giới hữu trách cho là dễ kiểm soát, dễ quy trách nhiệm. Ý kiến của Sơn ở Hà Nội thế nào?

Trần Sơn: Họ nói trấn an dân, nhưng dân thừa biết rồi. Làm gì có ông nào ăn hối lộ một mình đâu? Ăn chia chung thì làm sao gọi là ‘kiểm tra lẫn nhau’? Phát biểu của ông Phó Giám đốc Công an Hà Nội như con nít ấy mà, có che mắt được ai đâu!?

Trà Mi: Các bạn không đồng ý với quy định này vì nghi ngờ tính khả thi, tính hiệu quả của nó…

Trần Sơn: Không phải nghi ngờ mà chắc chắn là không hiệu quả.

Trà Mi: Về mặt thực tế hành động, mình chưa biết hiệu quả tới đâu. Nhưng xét về mặt tư tưởng, thái độ, đây cũng là một thái độ tích cực trong việc phòng chống tham nhũng. Nên chăng mình cũng nên hoan nghênh thái độ tích cực đó? Dù gì đi nữa, có quy định vẫn hơn không?

Trần Sơn: Tôi không đồng ý với chị Trà Mi. Nếu lãnh đạo quyết tâm chống tiêu cực, không thiếu gì cách. Trước đây, người ta đưa ra quy định may túi quần CSGT. Chẳng những nó không giảm được nạn hối lộ mà người ta còn cho đó là trò hề. Trong túi anh có 100 hay 1 triệu, ai nhìn thấy? Mị dân thôi.

Bình: Hình như người ta khinh thường dân trí mình thấp quá, nói gì dân nghe nấy hay sao đó? Có may túi này thì mọc túi khác thôi, giống vá xì lỗ mọt vậy. Vá lỗ này nó xì lỗ kia thôi. Cơ bản khi chống hối lộ là phải từ đạo đức, nếp sống xã hội, tinh thần trách nhiệm, và lương tâm của người chiến sĩ công an. Họ không lo giáo dục những cái đó.

Duy: Có những biện pháp hay hơn, giải quyết căn cơ hơn, tận gốc hơn mà sao họ không làm? Chẳng hạn như nâng cao lương của CSGT, nâng cao đạo đức, tác phong nghề nghiệp..v..v.. Họ không tính tới những chuyện đó.

Bình: Các bài viết của nhà báo Hoàng Khương đã khiến mấy chục quan chức, cảnh sát trong ngành phải ra đi. Người ta coi anh là cái gai trong mắt, nên đã buộc anh phải thôi việc. Đó là cách chống tham nhũng của nhà nước này. Nếu thật sự nhà nước muốn chống tham nhũng, sao không noi theo các biện pháp của nhà báo Hoàng Khương, để cho dân giám sát ngược lại?

Trà Mi: Anh đề nghị phải có biện pháp để dân giám sát, nhưng dân giám sát bằng cách nào?

Bình: Ví dụ như nhà nước cho ra một tổ chức giám sát của nhân dân. Tham nhũng bắt nguồn từ cấp lãnh đạo trung ương, Bộ Chính trị, tới tận cấp phường. Tôi có những người bạn làm trong ngành công an. Họ cho biết mỗi tháng họ có chỉ tiêu phải nộp cho cấp trên bao nhiêu tiền. Họ nói thẳng rằng: ‘Tôi nhận tiền hối lộ, bộ tôi ăn một mình sao? Tôi còn nhiều người phải chia lắm!’ Ở xã hội mình tham nhũng dây chuyền, chống tham nhũng thì biện pháp đề ra phải sáng suốt hơn nhiều.

Trà Mi: Xin mời ‘những biện pháp sáng suốt hơn’ từ những người trẻ.

Duy: Trước đây, Tổng biên tập tờ Vietnamnet cũng đã bị kỷ luật, kiểm điểm vì đăng lại một khảo sát của Tổ chức Minh bạch Thế giới cho thấy ngành công an Việt Nam bị đánh giá là tham nhũng nhất, qua thăm dò người dân tại 5 thành phố lớn tại Việt Nam. Tham nhũng ở đây đã có hệ thống, ăn rơ với nhau như vậy. Cần phải có những tổ chức đủ mạnh, những tổ chức xã hội dân sự độc lập với chính quyền. Chứ bây giờ tố cáo tham nhũng với những tổ chức của chính quyền, họ ăn rơ với nhau, cũng không giải quyết được gì. Cần có những tổ chức dân sự để người dân có thể gửi gắm niềm tin, bày tỏ bức xúc của họ, giúp hạn chế tham nhũng.

Trà Mi: Sơn, bạn có biện pháp nào khác muốn đề nghị?

Trần Sơn: Chả có gì gọi là độc lập với cơ chế đảng lãnh đạo toàn diện. Bất kể một tổ chức nào, nhất là tổ chức đó lại đụng đến túi tiền của mấy ông thì khủng khiếp lắm. Chưa nói đến mâu thuẫn chính trị, mâu thuẫn kinh tế trong xã hội Việt Nam là điều không tưởng. Mọi biện pháp đưa ra đều khập khiễng cả và bị chính quyền dập tắt ngay từ trong trứng. Công luận cũng bị bịt mồm rồi. Công luận ở đây là báo chí. Báo chí là tiếng nói chung của người dân, mà Việt Nam lại kiên quyết không cho báo chí tư nhân. Thế thì công luận đã bị bịt mồm rồi. Có rất nhiều cá nhân đấu tranh nhưng cũng bị trù dập lên xuống. Chính thể chế này đã dung túng cho tham nhũng. Nhà nước Việt Nam hay nói tham nhũng ở đâu cũng có, Mỹ cũng có. Tôi đồng ý. Nhưng ở nước ngoài, tham nhũng bị đưa lên công luận vạch trần vì người ta có tự do báo chí. Còn ở Việt Nam, cơ chế độc đảng là mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng. Hiện tượng có thể giống nhau nhưng bản chất vấn đề lại khác nhau. Công luận phải có được tự do, phải tự do báo chí, thì mới hạn chế được tham nhũng.

Trà Mi: Anh Sơn đề nghị phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Trần Sơn: Để xã hội phát triển và ngăn chặn cái xấu.

Bình: Trong xã hội có tự do ngôn luận, tự do báo chí, vẫn có thể có tham nhũng, nhưng mình có quyền vạch trần nó. Ở xã hội Việt Nam hiện nay, người vạch trần tham nhũng chưa chết, nhưng kẻ đi tố cáo đã chết trước. Cho nên, để chống tham nhũng bắt buộc phải thay đổi nguyên cả chế độ chính trị, phải thay đổi tận gốc thôi. Nhưng dân Việt Nam mình hễ cái gì liên quan đến nhà nước cũng sợ hết, lấy gì tố cáo? Nhà nước mình hay ở chỗ là làm cho dân sợ. Theo tôi, dân chỉ sợ bây giờ thôi. Khi guồng máy lịch sử quay tới một mức nào đó, bắt buộc phải thay đổi. Vụ PMU 18 chẳng hạn, vừa đụng tới mấy ông trên Bộ là bao nhiêu nhà báo phải ra đi, rồi chìm xuồng luôn. Hay vụ Vinashin cũng vậy, lỗ lã hàng tỷ đô có ai giải quyết tới nơi tới chốn không, vì tham nhũng bắt nguồn từ cấp lãnh đạo cao nhất.

Trà Mi: Trong thời gian chờ đợi báo chí tự do, biện pháp mà Sơn nói là có thể giúp giải quyết tham nhũng, các công dân trẻ như các bạn có thể làm gì để chống tham nhũng?

Duy: Chống tham nhũng ở Việt Nam gặp trắc trở vì hành pháp-lập pháp-tư pháp không độc lập, không đối trọng, không kiểm soát lẫn nhau. Trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu, Việt Nam xếp 112 trên 183 nước. Những nước như Mỹ cũng có tham nhũng, nhưng thứ hạng họ cao hơn vì họ có được cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu, nhất là nền chính trị đa đảng và tam quyền phân lập. Cho nên họ có được những cơ chế giúp dân kiểm soát được chính quyền.

Trà Mi: Mỗi quốc gia có thể chế riêng biệt, đặc điểm chính trị riêng biệt, phong tục tạp quán của người dân từng nước cũng khác nhau. Trong thời gian chờ đợi tiến triển tới mức như một quốc gia phát triển mà các bạn mong đợi, Sơn đề nghị một điều cơ bản giúp chống tham nhũng là người dân phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Vậy công dân làm thế nào để có được tự do ngôn luận, có thể nói lên tiếng nói của mình, góp phần chống tham nhũng?

Trần Sơn: Ý thức tôn trọng pháp luật của người Việt Nam còn kém. Chính hành động hối lộ của người vi phạm giao thông đã tiếp tay cho nạn tham nhũng của CSGT. Khi anh bị phạt, nhất quyết không đưa hối lộ, tự nguyện nộp phạt. Thứ hai, phải kiên quyết tố cáo tham nhũng. Trong khi chúng ta chưa đạt được mô hình xã hội tiên tiến như các nước phát triển, chúng ta mỗi người hãy cất lên tiếng nói. Ở đây tôi chưa nói tới vấn đề thay đổi chính trị, nhưng chúng ta phải hướng tới một xã hội trong lành. Trong gia đình, bố mẹ phải giáo dục con cái sống tôn trọng pháp luật thế nào. Các bạn sinh viên như Duy chẳng hạn, phải nói lên suy nghĩ của mình thẳng thắn. Chúng ta có các tờ báo mạng là võ khí, tuy bị chặn tường lửa, nhưng không phải là không vào được. Chúng ta còn có Facebook. Mỗi người dân là một chiến sĩ thông tin cũng sẽ giảm bớt tiêu cực.

Trà Mi: Mỗi người phải tự ý thức, không chống được tham nhũng thì đừng đồng lõa hay dung dưỡng tham nhũng. Đó cũng là giải pháp mà các bạn tham gia chương trình cho là khả thi nhất hiện nay, có thể giúp cải thiện tình hình. Thế còn ý kiến của các bạn nghe đài thế nào? Mời quý thính giả khắp nơi góp ý với chương trình và cùng trao đổi với các độc giả khác trong mục Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang.

Trà Mi hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một chủ đề mới trên Tạp chí Thanh Niên vào giờ này, tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG