Đường dẫn truy cập

Nghị định báo chí của Việt Nam bị chỉ trích


Nghị định báo chí của Việt Nam bị chỉ trích
Nghị định báo chí của Việt Nam bị chỉ trích

Nghị định mới về báo chí của Việt Nam bắt đầu áp dụng từ thứ Sáu cho nhà chức trách thêm nhiều quyền để hạn chế quyền tự do báo chí.

Các tổ chức bênh vực nhân quyền nói rằng nghị định này áp đặt các luật lệ mơ hồ mới vào các nhà báo và các blogger, khiến hoạt động của hai thành phần này gặp khó khăn thêm.

Nghị định có hiệu lực kể từ thứ Sáu đặt ra khoản tiền phạt đến 1.000 đôla cho người viết và người biên tập không chịu tiết lộ các nguồn thông tin của mình và phạt 2.000 đôla đối vối những ai công bố các thông tin chưa được phép.

Ông Phil Robertson, Phó ban phụ trách châu Á của Human Rights Watch nói nghị định này nằm trong chiến dịch truy quét hiện nay của nhà nước Việt Nam nhắm vào các đối tượng là quyền tự do ngôn luận, bất đồng chính trị và truy cập Internet:

“Có nhiều bài báo đầy sáng kiến tại Việt Nam, trong đó phơi bày tham nhũng, phơi bày những lạm dụng quyền lực, nhưng rồi đây nhiều bài báo như vậy sẽ giảm đi và thực tình mà nói thì chúng sẽ tan biến nếu buộc phải nêu tên những người cung cấp thông tin trong các bài báo.”

Ông Robertson nói rằng nghị định này có vấn đề một phần vì nó cho nhà chức trách kiểm duyệt tin tức dưới chiêu bài cần bảo vệ an ninh quốc gia:

“Điều mà chúng ta thấy rõ ràng là chính quyền Việt Nam đáp ứng một cách hết sức tiêu cực trước đòi hỏi có thêm tự do về chuyển tải tin tức và thông tin giống như Internet đang làm.”

Hôm thứ Sáu, một nhà báo được nhiều người Việt Nam biết đến nói với VOA qua điện thoại nghị định mới sẽ làm các nhà báo ngại ngùng khi tường thuật các vụ tham nhũng.

Nhà báo này nói thêm: nghị định này đi ngược với Luật Báo chí năm 1990 của Việt Nam, trong đó cho các nhà báo được giữ kín tên những người đã cung cấp thông tin cho họ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký nghị định hôm 6 tháng Giêng, vài ngày trước khi có đại hội đảng cộng sản. Trước ngày diễn ra đại hội, Việt Nam mở một đợt truy quét các blogger và các nhà hoạt động để bịt những tiếng nói bất đồng.

Tại New York, Ủy ban Bảo vệ Ký giả nói rằng có ít nhất 5 blogger viết báo trong số nhiều người bị bắt về những tội danh như “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”

Ủy ban này năm 2009 xếp Việt Nam đứng hàng thứ 6, từ dưới đếm lên, trong danh sách các quốc gia đối xử tàn tệ với blogger. Hạng nhất là Miến Điện; theo sau là Iran, Syria, Cuba và A-rập Saudi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG