Đường dẫn truy cập

VN gia tăng chống buôn lậu động vật trong khi tê giác quý bị giết


Chính phủ Việt Nam, với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, đã khai mạc cuộc triển lãm chống buôn lậu động, thực vật hoang dã tại sân bay Nội Bài hôm 11/5.

Chiến dịch có tên gọi: ‘Nói không với các sản phẩm động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng’ bao gồm 16 bức tranh về một số loài thường hay bị săn bắt và buôn bán trái phép nhất, bao gồm hổ, gấu, voi, tê giác, rùa biển, và tê tê. Các bức tranh sẽ được treo xung quanh sân bay cho tới tháng 5 năm 2011.

Theo TRAFFIC, mạng lưới kiểm soát buôn bán các loài động, thực vật hoang dã, mục đích của triển lãm tại cửa ngõ hàng không lớn nhất miền Bắc Việt Nam nhằm cảnh bảo rằng các loài động vật trên được pháp luật bảo vệ và việc buôn bán các sản phẩm làm từ các loài này có thể bị phạt hoặc truy tố.

Các sân bay được coi là những điểm vận chuyển thường xuyên trong buôn lậu các loài động, thực vật hoang dã trên toàn cầu, và các phi trường cũng tạo cơ hội tốt cho việc giáo dục những người cố ý hoặc vô tình vận chuyển các loài hoang dã được bảo vệ.

Sân bay Nội Bài là sân bay quốc tế lớn nhất ở miền Bắc của Việt Nam, phục vụ gần 4 triệu hành khách mỗi năm, và được chọn là địa điểm chính trong cuộc chiến chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã trong khu vực.

Việt Nam, cũng giống như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, trong những năm gần đây đã trở thành nguồn cung ứng, nơi tiêu thụ, nơi trung chuyển các sản phẩm động, thực vật hoang dã buôn bán trái phép, với mạng lưới rộng khắp trên thế giới.

Trong một diễn biến khác, Quỹ Sinh Vật Hoang Dã Thế Giới (WWF), cho biết xác một con tê giác Java đã được tìm thấy trong Vườn Quốc gia Cát Tiên, Lâm Đồng, hồi tuần trước.

WWF và Ban quản lý Vườn Quốc gia này đã kiểm tra và xác định con vật (một trong hai loài tê giác còn lại trên thế giới) đã bị bắn và lấy mất sừng.

AP dẫn lời các chuyên gia cho biết hiện chỉ còn khoảng từ ba tới năm con tê giác Java ở Việt Nam. Ngoài Việt Nam, loài tê giác này còn sinh sống ở Java, Indonesia với số lượng khoảng 40 tới 60 con.

Được biết, hiện trên giá chợ đen, một mẩu nhỏ sừng tê giác có giá hàng trăm đôla.

Nguồn: WWF, TRAFFIC

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG