Đường dẫn truy cập

Nông trại trong thành phố cung cấp thực phẩm tươi cho dân


Ông Adam Schwartz, người xây dựng và trồng trọt tại EcoCity, đang cùng một người tình nguyện thu hoạch rau
Ông Adam Schwartz, người xây dựng và trồng trọt tại EcoCity, đang cùng một người tình nguyện thu hoạch rau

Với việc càng ngày càng có nhiều người Mỹ ưa tiêu thụ các loại rau củ trồng tại địa phương được bày bán tại các chợ của nông dân, mức cầu thực phẩm tươi lớn hơn bao giờ hết. Lớn đến nỗi người ta thấy các nông trại mọc lên tại những khu đất trống trong thành phố và những nhà đất bỏ hoang trên toàn nước Mỹ. Bằng việc canh tác trên những vùng đất nơi người dân ít được tiếp cận với thực phẩm tươi, những nông trại trong thành phố giúp thay đổi những gì con người ăn và chuyển đổi những khu vực có nhiều vấn nạn. Thông tín viên Đài VOA Rosanne Skirble đưa chúng ta đến một nông trại tại Edmonston, Maryland trong một ngày thu hoạch mùa đông.

Nông trại EcoCity là một nơi có vẻ như không phải để trồng rau. Nằm lọt giữa một ống cống dẫn nước và đường xe lửa, nông trại này là một điểm xanh tươi trong một khung cảnh ảm đạm hoang vắng với những ngôi nhà nhỏ, lác đác vài khu buôn bán và cửa hàng sửa xe.

Trong hai năm qua, nông trại này trở thành một nơi có sức hấp dẫn đối với cộng đồng, thu hút những người tình nguyện như bà Marcy Clark, dạy 4 đứa con học tại nhà. Bà mang con đến nông trại EcoCity để học bài học ngày hôm nay.

Bà Marcy Clark nói: “Điều quan trọng là trẻ con hiểu được mối quan hệ giữa thực phẩm chúng ăn, đất đai, không khí, ô nhiễm, tất cả những thứ đó liên hệ như thế nào đối với an sinh của chúng.”

Các con của bà Clark- Hannah Caleb, John và Alston—học được bài học này khi thu hoạch những luống rau spinach, cải xanh, xà lách, cải bó xôi bẹ trắng và cà rốt.

Em Hannah Clark nói: “Em chỉ nhìn vào nông trại dưới khía cạnh được có cơ hội thực sự đi ra ngoài và làm việc với thực phẩm và làm vườn vì việc này tốt cho trái đất và tốt cho chúng ta.”

Em Caleb Clark nói: “Có thể không hẳn là một trò vui, nhưng em thích vì được học mà không phải cầm bút viết lên trên giấy.” Em John Clark phát biểu: “Điều căn bản là thay vì ngán vì phải ăn rau, em cảm thấy sung sướng. Rau làm cho cơ thể tốt từ đầu xuống chân.”

Còn em Alston Clark thì nói: “Em thích đến đây, có mối liên hệ với đất đai nơi sản sanh ra lương thực. Em hiểu rõ giá trị của lương thực nhiều hơn và ít phí phạm hơn vì biết được phải mất bao nhiêu thời gian để gieo trồng.”

Nông trại EcoCity vun trồng mối liên kết này trong một cộng đồng những người lao động ít được tiếp cận với thực phẩm tươi. Tỉ lệ béo phì ở đây cao, và cư dân có nhiều nguy cơ mắc phải những chứng bệnh liên hệ đến cách ăn uống.

Bà Margaret Morgan Hubbard, chủ nông trại nói nông trại là một ốc đảo nơi nếp sống lành mạnh có thể nẩy nở.

Bà Hubbard nói: “Quan điểm của chúng tôi là những gì xảy ra trong cộng đồng ảnh hưởng đến văn hóa của cộng đồng. Do đó ý của chúng tôi là trồng lương thực trong một cộng đồng và cho thấy là chúng ta có thể có nông trại ngay trong những khu vực thành thị; làm như vậy sẽ có thể định hình lại xem có thể làm được gì trong khu vực này, trong cộng đồng này và mang mọi người lại với nhau.”

Bà Morgan Hubbard muốn khi những người láng giềng mua xong ra về sẽ mang theo với họ nhiều hơn là rau củ.

Bà nói: “Mỗi việc chúng tôi làm ở đây đều chứng tỏ cho mọi người thấy là làm thế nào để có một cộng đồng bền vững.”

Điều đó có nghĩa là không những trồng trọt và nuôi gà, nuôi ong, nhưng cũng để cải thiện đất trồng trọt bằng phân tự chế. Mười sáu thùng gỗ cao ngang ngực chứa đầy những con giun dùng để biến thực phẩm phế thải thành phân bón.

Ông Benny Erez quản lý “lực lượng lao động biến chế này” và thấy đây cũng là lúc để giảng giải thêm nữa. Ông nói:

“Khi mọi người đến xem chúng tôi chỉ cho họ kỹ thuật, kỹ thuật làm thế nào lấy thực phẩm phế thải và làm theo một chu kỳ khép kín và mang trở lại thực phẩm từ thực phẩm đã biến thành phân rồi sử dụng trở lại nông trại, trồng rau và mang trở lại cho mọi người thực phẩm họ ăn. Và căn bản là hoàn tất chu kỳ khép kín.”

Nông trại EcoCity hoạt động không dùng lưới điện mà sử dụng điện từ những tấm thu năng lượng mặt trời, sưởi nóng nhà kính bằng một hệ thống địa nhiệt gồm có những ống được chôn xuống đất bơm không khí với nhiệt độ dưới đất vào những nhà kính giúp cho có thể trồng được rau củ quanh năm.

Do đó mỗi tuần một lần, suốt cả mùa đông, những người láng giềng như bà Chris Moss và ba người con của bà đạp xe đến nông trại để mua một số những thu hoạch.

Em Owen Moss, 5 tuổi, nói về những lợi ích em được hưởng: “Em thích ăn rau.”

Và nếu như người ta có thể hướng dẫn cho một bé 5 tuổi biết thích ăn rau thì tương lai cũng có nhiều hy vọng.

Một số hình ảnh về EcoCity:

VOA Express

XS
SM
MD
LG