Đường dẫn truy cập

TQ ‘bất mãn’ với tuyên bố G7 về Biển Đông, Biển Hoa Đông


Các lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung nhắc đến Biển Đông, Biển Hoa Đông, 27/5/2017
Các lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung nhắc đến Biển Đông, Biển Hoa Đông, 27/5/2017

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 28/5 nói Trung Quốc “rất bất mãn” về tuyên bố của nhóm G7 đề cập đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông Lục nói các nước G7 nên ngừng đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm.

Người phát ngôn này nói Trung Quốc cam kết giải quyết thích đáng các tranh chấp với các nước liên quan thông qua thương thuyết trong khi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ông Lục cho hay Trung Quốc hy vọng G7 và các nước khác sẽ kiềm chế, tránh đưa ra quan điểm, đồng thời tôn trọng các nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp của các nước ở khu vực.

Trong tuyên bố chung hôm 27/5, các lãnh đạo G7 nói họ quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông. Họ cũng kêu gọi phi quân sự hóa “các thực thể có tranh chấp”.

Cho đến tối 28/5, Việt Nam chưa có phát biểu chính thức liên quan đến tuyên bố của G7.

Hồi giữa tháng 4 năm ngoái, khi các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại đối với tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó, ông Lê Hải Bình, cho biết Việt Nam “hoan nghênh” tuyên bố của hội nghị ngoại trưởng G7 “theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Ông Bình cũng nói rằng Việt Nam “đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong khi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng đòi chủ quyền đối với nhiều phần chồng lấn ở vùng biển.

Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về một số đảo nhỏ không có người ở.

Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và tăng cường các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Mỹ quan ngại rằng các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do hàng hải cũng như để mở rộng tầm hoạt động chiến lược của Trung Quốc.

Đầu tuần vừa qua, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tuần tra vì tự do hàng hải gần Đá Vành khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa có tranh chấp.

Cuộc tuần tra lần đầu dưới thời Tổng thống Trump đã gây ra phản ứng tức giận từ Bắc Kinh.

Nhóm G7 gồm có các nước Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Anh, Y và Nhật.

(theo Reuters, truyền thông Việt Nam)

XS
SM
MD
LG