Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: 8 điều cấm trên WeChat trước đại hội 19


Thông tin chống tham nhũng trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat.
Thông tin chống tham nhũng trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat.

Gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo các đảng viên về tám "lằn ranh đỏ" khi sử dụng mạng xã hội phổ biến WeChat, cấm các hành vi như cho và nhận "phong bì đỏ" trên mạng để mua phiếu bầu.

Cảnh báo này cho thấy quyết tâm của đảng chống tham nhũng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra trong năm nay, dự kiến đại hội sẽ bầu các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cho nhiệm kỳ 5 năm tới.

Bằng cách thắt chặt kìm kẹp, các nhà quan sát nói rằng đảng có thể đã đi quá xa để có thể hạn chế sự hiện diện của 88 triệu đảng viên trên truyền thông mạng xã hội.

Các nhà quan sát nói rằng lệnh này có thể cũng phơi bày bản chất thực sự của các cuộc bầu cử theo phong cách Trung Quốc, hoàn toàn không phải là bầu cử tự do và không ứng cử viên nào được phép vận động bầu cử.

Lằn ranh đỏ

Tuần trước, Uỷ ban giám sát và kỷ luật trung ương, một tổ chức chống tham nhũng của đảng, công bố một thông báo trên mạng WeChat, nêu chi tiết các từ ngữ và các hành động mà đảng viên không được phép sử dụng trên mạng xã hội.

Theo đó, việc chỉ trích chính sách của chính phủ, chuyển tải thông tin có nội dung khiêu dâm, truyền bá tin đồn hoặc đưa ra nhận xét "không phù hợp", và làm rò rỉ bí mật nhà nước.

Hai trong số tám "lằn ranh đỏ" đặc biệt đề cập đến việc "sử dụng không đúng qui tắc phong bì đỏ trên mạng WeChat" như là hình thức hối lộ, hoặc để mua hoặc vận động phiếu bầu.

Thông báo cảnh báo rằng khi bị phát hiện vi phạm các quy định này, cán bộ đảng viên sẽ bị kỷ luật.

Đả hổ hay diệt ruồi?

Nhìn chung các nhà quan sát tin rằng các phong bì điện tử trên mạng WeChat có nhiều khả năng được phát hiện trong các vụ hối lộ hoặc dàn xếp bầu cử vì mỗi “phong bì” bị giới hạn ở mức 200 nhân dân tệ (khoảng 29 đôla).

Do đó, các quan chức cấp thấp chứ không phải các quan chức cấp cao có xu hướng sử dụng mạng xã hội này để hối hộ hoặc mua phiếu bầu. Nói cách khác, theo ông Qiao Mu, cựu giáo sư của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, qui định này trọng tâm nhắm vào mạng WeChat là nhắm các "con ruồi" tham nhũng chứ không phải là những "hổ" tham nhũng.

Giáo sư Qiao cho biết rằng thời điểm ra cảnh báo có thể áp dụng được cho cuộc bầu cử cấp cao của đảng, dự trù sẽ qui tụ 2.300 đại biểu cho đại hội đảng 19, và cũng nhằm vào những điều khác nữa.

Ông Qiao cho biết thêm: "Các cuộc bầu cử ở Trung Quốc chủ yếu do đảng sắp xếp trước, có nghĩa là sẽ không có bất kỳ sự cạnh tranh thực sự và bầu cử tự do nào. Do đó, vận động kêu gọi hoặc giành phiếu bầu [thông qua WeChat] trước hết là không được phép.”

Ông Qiao nói tiếp: "Nhưng lời cảnh báo này đúng vào thời điểm bầu cử đại biểu đại hội đảng lần thứ 19. Vì vậy, tôi nghĩ rằng lệnh cấm vận động bỏ phiếu thông qua mạng WeChat cũng có thể áp dụng cho các cuộc bầu cử toàn quốc.”

Ông Qiao nói các cuộc bầu cử theo kiểu Trung Quốc không bao giờ là bầu cử tự do hay công bằng, ngay cả khi chúng dường như có vẻ như vậy.

Một ví dụ có thể được tìm thấy trong một đơn vị bầu cử ở Quý Châu, bầu ông Tập Cận Bình làm đại biểu cho Đại hội toàn quốc lần thứ 19 bằng một cuộc bỏ phiếu kín vào ngày hôm thứ Năm, mặc dù thực tế ông Tập chưa bao giờ sống hoặc làm việc trong tỉnh Qúy Châu, hay thực hiện bất kỳ cuộc vận động nào ở đó.

Ông Qiao nói những cảnh báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ hạn chế quyền tự do ngôn luận của các đảng viên trên mạng WeChat, mà còn hạn chế sự hiện diện của họ như là người sử dụng mạng xã hội WeChat.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG