Đường dẫn truy cập

Tổng thư ký LHQ kêu gọi chấm dứt bạo lực chính trị ở Thái Lan


Ông Tayakorn Yos-Ubon, cha của 2 trẻ em bị thiệt mạng trong vụ nổ bom, ngồi để nhận xác con tại bệnh viện ở Bangkok, ngày 24/2/2014. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình bùng ra hồi năm ngoái.
Ông Tayakorn Yos-Ubon, cha của 2 trẻ em bị thiệt mạng trong vụ nổ bom, ngồi để nhận xác con tại bệnh viện ở Bangkok, ngày 24/2/2014. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình bùng ra hồi năm ngoái.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi chấm dứt bạo lực chính trị ở Thái Lan và tôn trọng nhân quyền và pháp trị. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình rộng khắp bắt đầu hồi năm ngoái. Theo tường trình từ Bangkok của thông tín viên VOA Ron Corben, tư lệnh quân đội Thái Lan cũng đã hô hào đàm phán sau khi xảy ra những vụ tấn công hồi cuối tuần nhắm vào các địa điểm biểu tình chống chính phủ khiến mấy chục người bị thương và gây thiệt mạng cho ít nhất 3 trẻ em.

Trong thông cáo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên án tình trạng leo thang bạo động ở Thái Lan và nhất là sự tổn thất sinh mạng của các em nhỏ. Ông kêu gọi lập tức chấm dứt các vụ đổ máu và đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý.

Các nhận định của ông Ban được đưa ra sau khi xảy ra những vụ tấn công hồi cuối tuần nhắm vào các địa điểm biểu tình chống chính phủ. Hôm chủ nhật tại trung tâm Bangkok, một quả lựu đạn ném vào một đám đông người đi mua bán tại một địa điểm biểu tình đã gây thiệt mạng cho 1 bé trai 7 tuổi và khiến người chị gái 6 tuổi của em này bị thương nặng và tử vong sau đó. 2 em nhỏ khác đang phải nằm viện để được cứu cấp.

Ông Thitinan Pongsudirak, một nhà khoa học chính trị tại trường Ðại học Chulalongkorn, nói rằng tình trạng bạo động leo thang đã “vượt qua một ngưỡng cửa” và nay có sự huy động các ủng hộ viên “áo đỏ” ủng hộ chính phủ.

“Chúng ta sẽ thấy tình hình trở nên tệ hại hơn và tệ hại hơn nhiều trước khi có thể cải thiện. Bạo động đã lan ra các tỉnh khác – phe Áo Ðỏ đã được huy động. Vì thế tôi nghĩ mối đe dọa bạo động ở mức rộng lớn hơn chống lại các bên khác nhau...sẽ còn tăng thêm nữa.”

Phong trào áo đỏ có liên kết với chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và ủng hộ người anh của bà Yingluck là ông Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin vẫn còn đang sống lưu vong để tránh án tù 2 năm về tội tham nhũng.

Hôm chủ nhật, những người lãnh đạo cấp tỉnh thuộc phe áo đỏ, hay Mặt trận Thống nhất đòi Dân chủ chống Ðộc tài, tức UDD, đã loan báo các kế hoạch phát động những cuộc biểu tình chống lại mọi hành động, kể các các phán quyết của bộ tư pháp, có thể dẫn đến việc bà Yingluck bị buộc phải từ chức.

Thủ lãnh UDD, Thida Thavornseth, nói rằng phe Áo Ðỏ đang ngày càng căm phẫn trước các hành động chống chính phủ và hậu thuẫn dành cho các nhân vật không nêu danh tính trong quân đội hồi tuần trước chống lại cảnh sát Thái Lan tìm cách đóng cửa một địa điểm biểu tình chống chính phủ.

“Tình hình khiến cho phe áo đỏ hết sức bực bội. Vì thế hôm qua là lúc chúng tôi muốn người đứng đầu chủ chốt từ mỗi tỉnh và xã phải ra mặt giải thích quan điểm của họ về sách lược và chiến thuật tranh đấu. Nhưng dù sao chúng tôi cũng vẫn giữ nguyên chính sách là chúng tôi là một phong trào hòa bình.”

Vụ khủng hoảng mới nhất ở Thái Lan đã đào sâu các lằn ranh chia cắt chính trị. Ông Thaksin vẫn còn được sự ủng hộ của các tỉnh miền bắc trong khi phong trào chống chính phủ được sự hậu thuẫn của Bangkok và các tỉnh miền nam, dưới sự lãnh đạo của một nhà cựu lập pháp thuộc đảng Dân chủ đối lập.

Giáo sư Thitinan của trường Ðại học Chulalongkorn nói bạo động leo thang có thể đưa đến sự can thiệp của quân đội trong cố gắng vãn hồi trật tự.

“Ðây là một tấn thảm kịch đang diễn biến. Các động năng đang có tác dụng và bung ra theo những đường lối mà dường như không ai có khả năng ngăn chặn. Vì thế chúng ta hy vọng sẽ có được một hình thức thỏa hiệp nào đó đằng sau hậu trường. Các bên khác nhau phải thoái bộ trước bờ vực nếu không ta sẽ thấy bạo động bừa bãi.”

Các cuộc biểu tình bắt đầu hồi tháng 11 phản đối một dự luật được chính phủ ủng hộ ân xá có lợi cho ông Thaksin và việc ông trở lại Thái Lan.

Nhưng sau đó tình hình đã leo thang thành các nỗ lực đòi bãi nhiệm chính phủ của bà Yingluck. Một cuộc thăm dò công luận toàn quốc hôm 2 tháng 2 cũng không giải quyết được vụ khủng hoảng chính trị, khiến cho Thái Lan lâm vào tình trạng bất ổn về chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG