Đường dẫn truy cập

Tòa luận tội tổng thống Hàn Quốc vào hồi kết


Những người ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye biểu tình ở Seoul, Hàn Quốc, 27/2/2017.
Những người ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye biểu tình ở Seoul, Hàn Quốc, 27/2/2017.

Hồi tháng 12, Quốc hội Nam Triều Tiên biểu quyết với tỉ lệ áp đảo quyết định đình chỉ chức tổng thống của bà Park Geun-hye vì bị cáo giác thông đồng với người bạn thân Choi Soon-sil moi tiền các tập đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, buộc họ đóng góp đến hơn 69 triệu đôla vào hai quỹ tài trợ có nhiều mờ ám để đổi lại các điều kiện ưu đãi trong kinh doanh hay tránh bị đe dọa kiểm toán thuế.

Còn có hai vụ truy tố khác: một vụ liên quan đến cách giải quyết bị cáo buộc là lơ đễnh trong tai nạn chiếc phà Sewol bị đắm năm 2014 làm hơn 300 người thiệt mạng, và một vụ liên quan đến việc bà Choi cố tình lạm dụng quan hệ với tổng thống để đưa con gái bà vào một trường đại học danh tiếng.

Các vị thẩm phán trong phiên biện hộ cuối cùng về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye tại Tòa án Hiến pháp ở Seoul, Hàn Quốc, 27/2/2017.
Các vị thẩm phán trong phiên biện hộ cuối cùng về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye tại Tòa án Hiến pháp ở Seoul, Hàn Quốc, 27/2/2017.


Pháp lý

Tổng thống Park bị ngưng chức trong thời gian Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp pháp của kiến nghị luận tội, một tiến trình pháp lý có thể kéo dài đến sáu tháng.

Bà Park không đến dự phiên biện hộ cuối cùng và tiếp tục công khai tuyên bố vô tội và nói rằng bà chưa bao giờ hưởng bất cứ lợi ích tài chánh nào trong nhiệm kỳ tổng thống của bà, và bà không hay biết bất cứ hành động bất hợp pháp nào mà bạn bè hay thuộc cấp của bà đã làm.

Tuy nhiên những người chỉ trích nói rằng các luật sư của bà Park áp dụng chiến thuật biện hộ bất chấp đạo lý để chống lại kiến nghị luận tội dựa trên những quy định pháp lý nhằm cố trì hoãn tiến trình luận tội ở Tòa án Hiến pháp.

Hiến pháp Nam Triều Tiên quy định ít nhất 6 trong tổng số 9 thẩm phán của tòa tối cao đồng ý thì phán quyết mới có hiệu lực. Hiện chỉ có 8 thẩm phán tại tòa sau khi Chánh thẩm Park Han-chul mãn nhiệm vào tháng 1. Thẩm phán Lee Jung-mi sẽ mãn nhiệm vào ngày 13 tháng 3. Chưa có đề cử nào khác cho các chức thẩm phán đó trong thời gian luận tội Tổng thống Park.

Tòa án đã tỏ dấu hiệu sẽ cố đi đến phán quyết trước khi Thẩm phán Lee mãn nhiệm.

Tuy nhiên, một trong các luật sư của Tổng thống Park nói phán quyết của Tòa án Hiến pháp với 8 thẩm phán đưa ra có thể bị kháng cáo.

Các luật sư của bà Park cũng tranh luận rằng 13 cáo buộc luận tội được gộp chung trong một kiến nghị, và từng cáo buộc một sẽ không được biểu quyết riêng biệt, và toàn bộ tiến trình đó có thể không có hiệu lực.

Quyền Tổng thống Nam Triều Tiên Hwang Kyo-ahn.
Quyền Tổng thống Nam Triều Tiên Hwang Kyo-ahn.


Hội đồng điều tra độc lập

Cũng trong ngày thứ Hai, quyền Tổng thống Nam Triều Tiên Hwang Kyo-ahn từ chối gia hạn cho cuộc điều tra của công tố viên đặc trách liên quan đến vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng của tổng thống.

Ông Hong Kwon-Heui, người phát ngôn của thủ tướng Hàn Quốc, nói:

"Sau khi thận trọng cân nhắc, quyền tổng thống quyết định tốt nhất cho sự ổn định của đất nước là không gia hạn cuộc điều tra đặc biệt và để cho các công tố viên thực hiện công việc."

Đoàn công tố đặc biệt được thành lập hồi tháng 12 do có những lo ngại rằng các công tố viên của Bộ Tư pháp do chính quyền của Tổng thống Park bổ nhiệm có thể bị dư luận xem là sẽ có xung đột lợi ích trong cuộc điều tra.

Trong 90 ngày qua, đoàn công tố đặc biệt đã kết tội hoặc bắt giữ nhiều nhân vật chính trị và doanh nghiệp chóp bu có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng, trong đó nhà lãnh đạo của tập đoàn Samsung, ông Jay Y Lee.

Tuy nhiên Tổng thống Park và nhóm biện hộ của bà từ chối hợp tác với cuộc điều tra, và quyền Tổng thống Hwang từ chối một đề nghị cho khám xét văn phòng của bà Park trong Nhà Xanh vì lý do an ninh quốc gia.

Công tố viên đặc biệt trước đó đã đề nghị gia hạn tiếp cuộc điều tra và bày tỏ thất vọng trước việc quyền Tổng thống Hwang bác bỏ đề nghị đó.

Ông Lee Kyu-chul, người phát ngôn của hội đồng công tố đặc biệt, nói:

"Công tố viên đặc biệt cho rằng là một điều đáng tiếc khi quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn không chấp thuận gia hạn cho cuộc điều tra trong khi cuộc điều tra về những vấn đề theo yêu cầu của đoàn công tố đặc biệt chưa hoàn tất."

Các nhà lập pháp của Ðảng Cộng hòa, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, hôm thứ Hai cho hay họ sẽ tìm cách luận tội thủ tướng vì từ chối gia hạn cho cuộc điều tra của hội đồng độc lập.

Quyền Tổng thống Hwang được Tổng thống Pak bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2015 được xem có nhiều khả năng sẽ là một ứng cử viên bảo thủ cho chức tổng thống nếu kiến nghị luận tội bà Park được chấp thuận.

Bầu cử

Vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng của tổng thống và vụ luận tội tổng thống đã gây chia rẽ sâu sắc Nam Triều Tiên. Cuối tuần qua mấy vạn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Seoul yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức. Cuối tuần nào cũng có biểu tình kể từ khi vụ bê bối này đổ bể.

Một số thủ lãnh đối lập công bố dự định sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, và nếu kiến nghị luận tội được tòa chấp thuận. Nếu tòa bác bỏ kiến nghị luận tội, bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay trước khi nhiệm kỳ tổng thống 5 năm duy nhất của bà Park kết thúc vào đầu năm 2018.

Hồi tháng trước, những người ủng hô bà Park theo khuynh hướng bảo thủ đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn. Nhiều người tham gia các cuộc biểu tình đó mang cờ Mỹ và chỉ trích những người ủng hộ luận tội là những cảm tình viên của chế độ Bắc Triều Tiên.

Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon từng được xem là một người theo quan điểm bảo thủ có nhiều khả năng ra tranh cử để kế nhiệm bà Park, nhưng ông đã rút tên sau khi bị truyền thông báo chí chỉ trích và tỉ lệ ủng hộ ông giảm sút.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG