Đường dẫn truy cập

Biểu tình phản đối việc ngôn ngữ Tây Tạng bị cắt ở các trường học


Các trường học ở những vùng của người Tây Tạng vẫn sử dụng tiếng Quan thoại và tiếng Tây Tạng song song với nhau
Các trường học ở những vùng của người Tây Tạng vẫn sử dụng tiếng Quan thoại và tiếng Tây Tạng song song với nhau

Có tin sinh viên học sinh Tây Tạng ở miền tây Trung Quốc đã trở lại trường họ sau khi thực hiện các cuộc biểu tình phản đối các kế hoạch chưa được xác nhận về việc chỉ được sử dụng Hoa ngữ trong các lớp học. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

Những người chứng kiến báo cáo tình hình hôm nay yên tĩnh, một ngày sau khi mấy ngàn học sinh và sinh viên cấp trung và đại học ở tỉnh Thanh Hải miền tây Trung Quốc phản đối những nguồn tin nói rằng các trường học sẽ được yêu cầu chỉ dạy học bằng tiếng Quan Thoại mà thôi.

Những người chứng kiến nói rằng các cuộc biểu tình có tính cách ôn hoà và công an đã không can thiệp.

Bà Stephanie Brigden thuộc nhóm hoạt động Giải phóng Tây Tạng (Free Tibet), là tổ chức đã tiếp xúc với các nhân chứng ở Thanh Hải. Bà cho biết giới hữu trách đã không can thiệp vào các cuộc biểu tình có thể bởi vì họ không biết phải làm gì.

Bà Brigden nói: “Tôi nghĩ một phần bởi vì công an và quân đội không rõ về bản chất của các cuộc biểu tình – vì thế, thông thường ta vẫn thấy công an phản ứng bằng lực luợng không cân xứng khi người Tây Tạng đòi Đức Đạt lai Lật ma trở về, hay đòi độc lập. Nhưng cuộc biểu tình này lại lái qua một vấn đề mà ta có thể gọi là vấn đề mềm về ngôn ngữ, vì thế không thể rõ là công an nên đáp ứng ra sao.”

Các trường học ở những vùng của người Tây Tạng vẫn sử dụng tiếng Quan Thoại và tiếng Tây Tạng song song với nhau. Các giáo viên đã nói với các cơ quan tin tức rằng họ không được lệnh chuyển toàn bộ sang tiếng Hoa.

Các giới chức ở Thanh Hải không đưa ra lời bình tức thời về các cuộc biểu tình mới nhất, nhưng trước đây trong tháng này, chính quyền Thanh Hải đã công bố một văn kiện hô hào sự cần thiết phải quảng bá một hệ thống song ngữ.

Bà Brigden nói rằng sự lo ngại của công chúng rằng tiếng Tây Tạng sẽ bị cắt không được sử dụng tại các trường học cho thấy khoảng cách biệt về tính khả tín giữa lập luận của chính quyền và những gì người Tây Tạng thực sự nghe nói tại chỗ.

Bà Brigden nói tiếp: “Tôi cho rằng đây là một thí dụ điển hình về sự cách biệt giữa những gì được hứa hẹn và những gì được thực hiện. Đây quả là tình hình, cho dù ta nói về quyền giáo dục, hay là nói về ai là người được hưởng lợi ích của sự phát triển ở Tây Tạng, hay là nói về vấn đề liệu tình trạng tra tấn có xảy ra tại Tây Tạng hay không.”

Vấn đề quảng bá một cách đầy đủ các ngôn ngữ của các sắc dân thiểu số có tính cách rất nhậy cảm tại Trung Quốc, nơi người Hán tộc Trung Quốc chiếm hơn 90% dân số. Từ mấy chục năm nay, chính phủ Trung Quốc đã quảng bá tiếng Quan Thoại là một phương tiện để đoàn kết một đất nước đa dạng. Nhiều người Tây Tạng cho rằng họ không có chọn lựa nào khác hơn là học tiếng Quan Thoại nếu muốn tiến thân ở Trung Quốc hiện đại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG