Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ di tản người tị nạn Syria khỏi vùng biên giới


Diễn viên điện ảnh Angelina Jolie, đặc sứ của cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc và Cao ủy trưởng Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc đến thăm trại người Syria tị nạn ở Kilis, Thổ Nhĩ Kỳ
Diễn viên điện ảnh Angelina Jolie, đặc sứ của cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc và Cao ủy trưởng Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc đến thăm trại người Syria tị nạn ở Kilis, Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu di tản một số trong hàng chục ngàn người tị nạn Syria đang có mặt trên lãnh thổ nước này ra khỏi khu vực biên giới. Các đại diện của Liên Hiệp Quốc, trong đó có nữ diễn viên Angelina Jolie, hôm nay đã đến thăm một trong các trại tị nạn tại đó. Cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể ảnh hưởng tới đáp ứng ngoại giao trước cuộc xung đột ở Syria.

Trại Kilis nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giáp ranh với Syria, là nơi tạm trú của gần 12.000 người tị nạn.

Chuyến đi của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và cũng là ngôi sao điện ảnh Hollywood Angelina Jolie - tới thăm người tị nạn đã khiến cho giới truyền thông chú ý tới tình cảnh người tị nạn Syria. Nhưng nhiều cư dân ở đây, như ông Abu Omer, một người cha có 4 con, vẫn tỏ thái độ hoài nghi.

Ông Omer nói ông không trông đợi bất cứ điều gì từ Liên Hiệp Quốc. Ông dự đoán "rồi cũng chẳng có bất cứ điều gì xảy ra" bởi vì nhiều quan chức Liên Hiệp Quốc "đã nhiều lần đến đây mà cũng chẳng có bất cứ thay đổi gì."

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, ông Antonio Guterres, kêu gọi các nước khác hãy giúp đỡ. Ông nói:

"Những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Li Băng, Jordan, cũng như Iraq đã có những cố gắng phi thường. Họ chứng tỏ tình đoàn kết cao trong việc hỗ trợ người tị nạn, và họ xứng đáng được cộng đồng quốc tế chứng tỏ tình đoàn kết với họ."

Ðó là một quan điểm được Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ.

Ước tính có khoảng 80.000 người tị nạn đang sống trong 10 trại tập trung ở gần biên giới. Người ta tin rằng khoảng 30.000 đến 40.000 người Syria đang sống bên ngoài các trại tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người tá túc với người thân hay thuê nhà riêng trong những thành phố như Antakya.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến hành dời những người tị nạn này vào các trại, hoặc ra khỏi khu vực biên giới. Ông Selcuk Unal, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, nói:

"Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng, đặc biệt là Jordan, không được quốc tế hỗ trợ đầy đủ để cùng chia sẻ gánh nặng này. Chúng tôi không yêu cầu họ phải rời lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tất nhiên có lúc chính quyền địa phương sẽ phải đề ra những biện pháp dàn xếp nơi ăn ở của những người tỵ nạn, để chia sẻ gánh nặng đồng đều hơn với các tỉnh khác của Thổ Nhĩ Kỳ . "

Bà Katerina Dalacoura, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Trường Kinh tế và Chính trị Ðại học London nói rằng thoạt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng mà không cần sự tiếp tay từ bên ngoài. Bà nói:

"Họ nhận ra rằng riêng trong trường hợp này, họ đã quá ôm đồm. Nói cách khác, họ không thể tự mình đối phó với vấn đề này như họ đã nghĩ trước đây."

Giữa lúc người Kurd đang chiếm quyền kiểm soát phần lớn khu vực Ðông-Bắc Syria, bà Dalacoura nói cuộc tranh chấp đang lan rộng sang Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tình trạng thiếu kiểm soát từ trung ương, tức là từ Damascus, có thể đã khiến bạo động bùng phát ngay bên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, trên khắp các khu vực có nhiều người Kurd sinh sống. Các nơi này ngày càng trở thành một khu vực hỗn loạn, ai muốn làm gì thì làm đối với giới đấu tranh người Kurd.”

Người Syria tiếp tục rời bỏ nhà cửa và đất nước của họ để ra đi lánh nạn. Ðoạn phim không chuyên nghiệp tải lên mạng Internet, mà tin cho hay đã được quay tại Aleppo hôm thứ Tư, cho thấy nhiều gia đình phải vác va li chạy giữa những tiếng súng nổ trên khắp thành phố.

Liên Hiệp Quốc ước lượng khoảng 250.000 người đã bỏ Syria để đi lánh nạn. Nhiều nhà phân tích nói rằng quy mô của làn sóng tị nạn có thể buộc cộng đồng quốc tế phải hành động. Tuy nhiên giữa lúc khả năng can thiệp quân sự gần như sẽ không xảy ra, thì khó có cơ may người tị nạn có thể hồi hương trong nay mai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG