Đường dẫn truy cập

Giao tranh dữ dội gần phi trường Aleppo, Syria


Binh sĩ của Quân đội Giải phóng Syria chiến đấu tại thành phố Aleppo, ngày 11/9/2012
Binh sĩ của Quân đội Giải phóng Syria chiến đấu tại thành phố Aleppo, ngày 11/9/2012
Binh sĩ Syria và quân nổi dậy đã đụng độ tại thủ đô thương mại Aleppo gần phi trường do chính phủ chiếm giữ trong khi diễn ra nhiều trận đánh trước chuyến thăm Syria của tân đặc sứ hòa bình quốc tế.

Ðài Quan sát Nhân quyền Syria tại Anh và các nhóm tranh đấu khác cho biết giao tranh ác liệt bùng phát vào tảng sáng hôm nay tại khu vực Nayrab, cách cách phi trường quốc tế Aleppo khoảng 5 kilomet.

Cơ sở này, bao gồm một căn cứ quân sự, được chính phủ sử dụng rất nhiều trong các vụ đánh bom các khu vực quân nổi dậy chiếm đóng.

Trong mấy tuần qua, quân nổi dậy đã tấn công phi trường nhằm để ngăn chận những vụ không kích, trong khi các cơ sở thương mại không bị đánh phá.

Các nỗ lực ngoại giao cho tới nay đã không chấm dứt được cuộc đổ máu tại Syria, nhưng tân đặc sứ hòa bình LHQ và Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi dự trù sẽ đến Syria trong tuần này để phục hồi nỗ lực này.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon nói rằng ông Brahimi sẽ hội đàm với Tổng thống Bashar al Assad khi ông chính thức thăm Syria tuy ngày giờ chưa được ấn định.

Ông Brahimi thay thế cựu đặc sứ Kofi Annan, người đã không đạt được một cuộc ngưng bắn và mở cuộc đàm phán về một chính phủ chuyển tiếp.

Các giới chức LHQ cho hay giao tranh tại Syria đã làm thiệt mạng khoảng 20,000 người, hầu hết là dân thường, và khiến trên một triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Hơn 250,000 người Syria đã chạy sang các nước Jordan, Iraq, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cơ quan tị nạn LHQ gọi những vấn đề nhân đạo do cuộc chiến này tạo ra là cuộc khủng hoảng lớn nhất của họ mà họ phải đối phó.

Thời biểu cuộc nổi dậy ở Syria

Tháng 3, 2011: Các cuộc biểu tình đầu tiên bùng nổ, mấy chục người thiệt mạng. Chính phủ loan báo cải tổ, rồi từ nhiệm.

Tháng 4 và tháng 5, 2011: Các cuộc biểu tình tăng cường và lan rộng, hàng trăm người thiệt mạng. Hoa Kỳ áp đặt biện pháp chế tài các nhà lãnh đạo hàng đầu.

Tháng 8 và tháng 9, 2011: Ả Rập Sê-út, Kuwait và Bahrain triệu hồi đại sứ. Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, EU cấm nhập khẩu dầu của Syria.

Tháng 10, 2011: Nga, Trung Quốc phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Syria.

Tháng 11, 2011: Liên đoàn Ả Rập đình chỉ tư cách thành viên của Syria. Tháng 1, 2012: Chính phủ phóng thích 5000 tù nhân, Số tử vong vượt quá 7,000 người.

Tháng 2, 2012: Nga, Trung Quốc phủ quyết nghị quyết thứ nhì của Liên Hiệp Quốc lên án vụ đàn áp.

Tháng 3, 2012: Syria cho biết sẽ tuân thủ lệnh ngưng bắn ngày 12 tháng 4 nhưng bạo động tiếp diễn. Các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đến nơi.

Tháng 5, 2012: Syria tổ chức bầu cử quốc hội, bạo động tiếp tục, Ðặc sứ của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập Kofi Annan kêu gọi Tổng thống Bashar al Assad ngưng các cuộc bạo động.

Tháng 6, 2012: Các quốc gia Tây phương trục xuất các nhà ngoại giao Syria, ông Annan kêu gọi tăng áp lực đối với Syria.

Tháng 7, 2012: Hội Chữ Thập Ðỏ mở rộng các khu vực Syria được cho là đang có nội chiến. Bạo động gia tăng khắp nước.

Tháng 8, 2012: Một ngày sau khi chiến đấu cơ Syria tấ công thị trấn Azaz miền bắc do quân nổi dậy kiểm soát và một vụ đánh bom gần trụ sở của quan sát viên Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc quyết định chấm dứt sứ mạng quan sát tại Syria khi nhiệm vụ hết hạn vào ngày 19 tháng 8.

Tháng 9, 2012: Chiến sự gia tăng tại Aleppo và tiếp diễn trên khắp nước. Ðặc sứ mới của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi dự trù đi thăm Syria và họp với ông Assad.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG