Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên: Căn cứ mới sẽ không cho tàu hải quân Mỹ trú đóng


Tàu sân bay USS Enterprise của Hoa Kỳ tại cảng Busan, Nam Triều Tiên (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay USS Enterprise của Hoa Kỳ tại cảng Busan, Nam Triều Tiên (ảnh tư liệu)

Các giới chức quốc phòng Nam Triều Tiên cho hay một căn cứ hải quân gây nhiều tranh cãi được đề xuất ngoài khơi duyên hải phía nam trên đảo Jeju, sẽ không cho phép các tàu hải quân Hoa Kỳ trú đóng thường xuyên. Các giới chức cũng nói cơ sở dự trù hoàn tất vào năm 2015, nhằm răn đe Bắc Triều Tiên, chứ không phải Trung Quốc. Tuy nhiên, các giới chức không bình luận về tin tức nói rằng một căn cứ nhỏ khác sẽ được xây dựng trong vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản để bảo vệ một hòn đảo mà Nhật Bản cũng đòi chủ quyền. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các giới chức quốc phòng Nam Triều Tiên có phản ứng mạnh trước điều họ gọi là những tin tức thiếu chính xác về một dự án chung giữa hai bên dân sự và quân sự đang được xây cất trên một hòn đảo nghỉ mát ở miền nam nước này.

Khu cảng đa dụng Jeju sẽ là nơi xây dựng một căn cứ hải quân Nam Triều Tiên cũng như cung cấp phương tiện cho các du thuyền lớn. Đây sẽ là nơi sẽ diễn ra các hoạt động dân sự khác, như các trạm hành khách và một công viên.

Phó đề đốc Koo Ok-hyoe nói mặc dầu Hải quân Hoa Kỳ và hải quân của các nước bạn khác được hoan nghênh đến thăm, đây sẽ không phải là nơi trú đóng thường trực của bất kỳ tàu hải quân Mỹ nào.

Vị đề đốc này nói cơ sở sẽ quá nhỏ cho một nhóm trục hạm chiến đấu.

Các giới chức cũng bác bỏ tuyên bố của những người chống đối căn cứ nói rằng căn cứ sẽ tiếp nhận một hệ thống phòng thủ phi đạn của Hoa Kỳ.

Các giới chức quân đội Mỹ đồng ý rằng không có kế hoạch tiếp nhận các tàu hay phi đạn của họ ở đó.

Phó giám đốc phụ trách các hoạt động Hải quân của Nam Triều Tiên, đề đốc Koo, cũng phủ nhận việc cơ sở được xây dựng với ý đồ đề phòng lực lượng quân sự đang bành trướng của Trung Quốc.

Đề đốc Koo nói căn cứ mới nhắm mục đích giúp ngăn chặn và đẩy lui bất kỳ hành động hiếu chiến nào của Bắc Triều Tiên, chứ không phải để kiềm chế bất kỳ quốc gia nào khác.

Oâng nói phải nhớ rằng hai nước Triều Tiên chưa hề ký một hòa ước kể từ sau cuộc nội chiến 3 năm hồi đầu thập niên 1950, và hai bên trên nguyên tắc vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Một số dân làng ở Jeju, được sự ủng hộ của các tổ chức dân sự bên ngoài, chống đối căn cứ. Họ lập luận rằng căn cứ sẽ quân sự hóa một hòn đảo nghỉ mát và gây thiệt hại cho môi trường.

Tại một cuộc họp báo đặc biệt với các thông tín viên nước ngoài, vị đề đốc và các giới chức quốc phòng không đưa ra lời bình luận về các tin tức nói rằng Nam Triều Tiên cũng dự định xây dựng một căn cứ hải quân nhỏ khác trên đảo Ulleung, trong vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Một số chính trị gia ở Seoul nói rằng một căn cứ như thế là cần thiết để bảo vệ một hòn đảo nhỏ xíu gần đó mà Nam Triều Tiên đang giữ nhưng lại bị Nhật Bản, một nước từng đô hộ Triều Tiên, đòi chủ quyền.

Hòn đảo có tên Triều Tiên là Dokdo, và tên Nhật Bản là Takeshima, là một nguồn gây căng thẳng dân tộc ở cả hai nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG