Đường dẫn truy cập

Sắc lệnh cấm du hành của TT Trump bị kiện ra tòa


Người dân cầm biểu ngữ tham gia một cuộc biểu tình ở London, phản đối lệnh hạn chế du hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump, 4/2/2017.
Người dân cầm biểu ngữ tham gia một cuộc biểu tình ở London, phản đối lệnh hạn chế du hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump, 4/2/2017.

Sau khi thẩm phán liên bang Robart ra phán quyết chận việc thực thi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hồi tuần trước, chính quyền của Tổng thống Trump đã yêu cầu một hội đồng phúc thẩm gồm ba thẩm phán lật ngược phán quyết đó. Trong khi tòa án còn đang xem xét vụ này, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc chọn lựa ra các quốc gia được ghi vào danh sách cấm nhập cảnh và tại sao các nước khác không được đưa vào danh sách đó.

Trong lúc sắc lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gặp phải sự chống đối ngày càng lan rộng hơn, hai câu hỏi lớn được đặt ra là:

Làm thế nào mà bảy nước Hồi giáo đã được đưa vào danh sách bị hạn chế du hành theo sắc lệnh này?

Và tại sao các nước Hồi giáo khác trước đây có liên hệ với khủng bố lại không bị đưa vào danh sách cấm?

Tòa Bạch Ốc nói họ làm quyết định căn cứ vào một danh sách đã được bàn giao lại từ chính quyền tiền nhiệm.

Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc giải thích:

"Điều đó có nghĩa là gì? Là để đảm bảo những người từ bảy nước đã được chính quyền Obama nêu danh, khi đến đây sẽ phải được rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng."

Cái gọi là danh sách “các nước đáng quan tâm” xuất phát từ một sắc luật ít ai biết đến, đó là Luật năm 2015 ngăn chặn khủng bố du hành và cải thiện chương trình miễn thị thực.

Luật này được ban hành với mục tiêu ngăn chặn “các chiến binh nước ngoài” mang hộ chiếu Âu châu đã từng du hành đến các chiến trường Iraq, Syria hay bất cứ quốc gia đáng quan tâm nào khác, rồi lợi dụng luật miễn thị thực để du hành sang Mỹ.

Bộ Nội an sau đó đã ghi thêm tên các nước Iran, Sudan, Somalia, Libya và Yemen vào danh sách.

Bênh vực các biện pháp giới hạn du hành, sắc lệnh của Tổng thống Trump nói “rất nhiều” cá nhân sinh ra ở nước ngoài có liên hệ với nạn khủng bố tại Hoa Kỳ kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Ông Charles Kurzman, nhà nghiên cứu tại Đại học North Carolina, nói nếu mục tiêu của sắc lệnh này là để “ngăn các phần tử khủng bố nước ngoài vào Mỹ,” thì chính quyền có lẽ đã chọn sai các nước bị cấm. Ông nói:

"Chưa có một ca tử vong nào tại Mỹ do các phần tử cực đoan từ 7 nước được nêu tên gây ra."

Cuộc nghiên cứu của ông Kurzman về sự can dự của Hồi giáo trong các vụ bạo động khủng bố ở Hoa Kỳ cho thấy các cuộc tấn công do các phần tử cực đoan Hồi giáo Mỹ thực hiện đã gây ra 123 cái chết kể từ sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9.

Giáo Sư Kurzman nói tiếp:

"Mức độ tham gia vào các vụ bạo động khủng bố của những người Hồi giáo tại Hoa Kỳ tính ra vẫn quá thấp so với tổng số án mạng và bạo động xảy ra ở Mỹ."

Ông Adnan Kifayat, một chuyên gia về chống chủ nghĩa cực đoan bạo động, đưa ra một giải thích khác tại sao bảy nước Hồi giáo này là những mục tiêu dễ nhắm đến:

"Không có chuyện Somalia hay chính phủ trung ương Somalia có thể thách thức Hoa Kỳ hữu hiệu về mặt chính trị, hay như trường hợp Libya, một nước không có một chính phủ trung ương thực sự hoạt động, hay cả Syria, một nước đang chìm ngập trong nội chiến."

Ông Kifayat nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump có phần chắc sẽ mở rộng danh sách các nước bị hạn chế du hành.

Nhưng trong bối cảnh sắc lệnh di trú đang bị thách thức tại các tòa án ở Mỹ, tương lai của sắc lệnh này vẫn chưa rõ ràng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG