Đường dẫn truy cập

Phong trào Hồi giáo Rohingya 'không liên kết với khủng bố'


Một cuộc biểu tình bằng xe máy do Quân đội Cứu hộ Rohingya Arakan (ARSA) tổ chức ở bang Rakhine, Myanmar, ngày 19/3/2017.
Một cuộc biểu tình bằng xe máy do Quân đội Cứu hộ Rohingya Arakan (ARSA) tổ chức ở bang Rakhine, Myanmar, ngày 19/3/2017.

Trong tuần này, phong trào nổi dậy Hồi giáo Rohingya công bố một danh sách chi tiết nêu ra những đòi hỏi của họ, mô tả việc phong trào đã sử dụng bạo lực trong quá khứ như một cách để tự vệ mà thôi. Tháng 10 năm ngoái, chính nhóm này đã thực hiện các cuộc đột kích, giết chết 9 cảnh sát tại bang Rakhine ở miền bắc Myanmar. Những đòi hỏi nêu ra trong bản yêu cầu của họ cũng có vẻ thực tiễn hơn.

Ông Ata Ullah, chỉ huy Phong trào Tín ngưỡng, nay đổi tên thành Quân đội Cứu hộ Rohingya Arakan (ARSA), đã ký vào bản yêu cầu ngày 29/3. Ngày công bố tài liệu dường như đã được chọn cho trùng với kỷ niệm một năm từ khi bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền.

Trong lời mở đầu của bản yêu cầu 20 điểm, ARSA nói rằng nhóm này không liên kết với bất kỳ tổ chức khủng bố nào, xa lánh các cuộc tấn công nhắm vào thường dân và các nhóm tôn giáo thiểu số. Họ muốn xác minh rõ rệt rằng các cuộc tấn công mà họ cho là để “tự vệ" chỉ nhắm vào “chế độ áp bức Myanmar". Họ tuyên bố ủng hộ các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế trong bang Rakhine.

Liên minh Dân chủ Toàn Quốc (NLD), chính đảng do bà Suu Kyi lãnh đạo, thắng cử vào cuối năm 2015, đưa ông Htin Kyaw lên nắm chức Tổng thống cách nay một năm. Bà Suu Kyi bị cấm tranh cử tổng thống vào năm 2008, đảm nhận vai trò Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn quốc gia. Nhưng quân đội vẫn kiểm soát 25% quốc hội và 3 bộ chủ lực trong chính phủ Myanmar.

Trong số những yêu sách của phong trào nổi dậy, có được đại diện chính trị, thực hiện quyền công dân, tiếp cận các dịch vụ cứu trợ, cơ hội giáo dục, tự do đi lại và tôn giáo, trả lại tài sản, tham gia các hoạt động thương mại và người tị nạn Rohingya được phép hồi hương.

Ông Matthew Smith, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Fortify Rights, nói trong một email rằng:

"Điều đáng kể là họ bác bỏ các mối liên hệ với các tổ chức khủng bố, nói họ không nhắm tấn công thường dân và phần lớn các mục tiêu phải dựa trên quyền con người. Chúng tôi không có bằng chứng cho thấy nhóm này được đào tạo bài bản, có nguồn tài chính hay được tổ chức tốt, nhưng rõ ràng là họ sẽ không đi đâu cả."

Cuộc nổi dậy của người Hồi giáo được phát động từ những năm 1940.

Từ khi Myanmar giành được độc lập vào năm 1948, các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Rakhine đã tiếp diễn trong nhiều thập kỷ trong những bối cảnh chính trị khác nhau, phản ánh ước vọng được quyền tự quyết của các nhóm tôn giáo, sắc tộc khác trên khắp nước. Myanmar không công nhận nhóm sắc tộc Rohingya là một trong các dân tộc của nước này, bác quyền công dân của họ và đã đẩy gạt họ ra bên lề các sinh hoạt chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG