Đường dẫn truy cập

Phe nổi dậy Syria sẵn sàng hưu chiến nếu Nga ngưng không kích


Chiến đấu cơ SU-24M của Nga cất cánh từ căn cư không quân Hmeimim ở Syria.
Chiến đấu cơ SU-24M của Nga cất cánh từ căn cư không quân Hmeimim ở Syria.

Tổ chức đối lập chính Syria nói sẵn sàng ngưng bắn tạm thời, nhưng chỉ khi nào Nga và chính phủ Syria cũng tôn trọng ngưng bắn và “đình chỉ tất cả các cuộc giao tranh” tại đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Trước đây Nga cho biết sẽ không ngưng các cuộc không kích chống lại điều Nga gọi là những mục tiêu thuộc các phần tử khủng bố tại Syria, ngay cả khi có thỏa thuận quốc tế về một cuộc ngưng bắn tạm thời. Hoa Kỳ và các bên liên hệ trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến Syria nói hầu hết các cuộc không kích của Nga đều nhắm vào phe nổi dậy chống lại chính phủ Syria chứ không nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo.

Các giới chức cho biết ngày thứ Bảy Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã thảo luận bằng điện thoại về tình hình Syria. Ông Kerry ngày thứ Bảy có mặt tại London và thảo luận với các giới chức cao cấp Anh và lên đường đi Jordan để thảo luận thêm nữa với Vua Abdullah.

Ông Kerry tuyên bố tại London: “Mọi người đều công nhận sự phức tạp của nỗ lực này, và chắc chắn có thêm nhiều việc phải làm.”

Liên minh các tổ chức đối lập tại Syria ngày thứ Bảy gặp nhau tại Ả Rập Xê-út lên án hoạt động quân sự của Nga hậu thuẫn cho chính phủ Damacus. Liên minh có tên là Thượng Uỷ ban Thương thuyết nói Nga đã “coi thường cộng đồng quốc tế và không màng đến sinh mạng của người Syria.”

Chiến dịch không kích của Nga cũng bị đổ lỗi làm gia tăng số tử vong của các thường dân Syria, và khiến cho dân chúng Syria trở thành các người tị nạn và phải cố vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Yêu cầu của Nga tại Liên Hiệp Quốc bị bác bỏ

Moscow tố cáo là Thổ Nhĩ Kỳ sắp gởi bộ binh đến Syria, và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngăn chặn việc này tại một phiên họp khẩn cấp hôm thứ Sáu. Các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bác bỏ dự thảo nghị quyết của Nga và Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nói nước ông sẽ chỉ đóng một vai trò trực tiếp như thế tại Syria nếu được Liên Hiệp Quốc ủng hộ.

Đề nghị của Nga tại Hội đồng Bảo an không đề cập đến tên Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ý định của Nga rõ ràng. Nga mạnh mẽ lên án những vụ pháo kích qua biên giới vào Syria và điều Nga nói là một làn sóng không giới hạn các chiến binh “khủng bố” và chuyển vũ khí bất hợp pháp vào Syria.

Tổ chức đối lập chính Syria đồng ý về “khả năng” ngưng bắn tạm thời ngày thứ Bảy trong khi kịch liệt chỉ trích Nga đã không tuân thủ một thỏa thuận ngưng bắn tạm thời. Thượng Uỷ ban Thương thuyết, một Liên minh các tổ chức đối lập được Ả Rập Xê-út ủng hộ đưa ra một tuyên bố nói Nga đã chứng tỏ “bất cần cộng đồng quốc tế và không màng đến sing mạng của người dân Syria.”

Các tổ chức này đồng ý về khả năng đạt được một thỏa thuận nếu Liên Hiệp Quốc có thể đảm bảo một cuộc ngưng bắn và chuyển giao các vật phẩm cứu trợ nhân đạo.

Tuyên bố này được công bố tiếp sau lời kêu gọi của Nga triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về những lo ngại của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ có thể có kế hoạch đưa bộ binh đến Syria.

Phái đoàn Nga đệ trình một dự thảo nghị quyết một trang lên án một động thái như thế. Nga cũng “mạnh mẽ” lên án những vụ pháo kích qua biên giới, làn sóng các chiến binh khủng bố và chuyển vũ khí bất hợp pháp từ các “nước láng giềng” của Syria.

Nghị quyết của Nga là một sự ‘đánh lạc hướng’

Các nhà ngoại giao nói có ít nhất 6 trong 15 thành viên Hội đồng Bảo an bác bỏ nghị quyết khi nghị quyết được đưa ra, và chỉ có một thành viên là Venezuela ủng hộ. Ngay cả Trung Quốc, thường xuyên có cùng lập trường với Nga, dường như ngần ngừ trong việc đứng về phía Moscow. Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cho biết đang chờ chỉ thị từ Bắc Kinh.

Điện Kremlin nói Nga có một “chính sách trước sau như một, minh bạch và rõ ràng nhằm đảm bảo sự ổn định tại Syria và trong vùng."

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power nói: “Điều thực sự quan trọng là thay vì nỗ lực đánh lạc hướng thế giới bằng nghị quyết được đưa ra, điều tốt hơn hết là Nga thi hành nghị quyết đã được thỏa thuận trước đây". Bà ám chỉ đến Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an được chấp thuận vào tháng 12 năm ngoái đưa ra một khung làm việc để bắt đầu các cuộc thảo luận chính trị song song với một cuộc ngưng bắn trên toàn quốc tại Syria.

Bà Power nói thêm: “Chúng ta đã có sẵn một nghị quyết. Đây là một nghị quyết đúng đắn. Chúng tôi cam kết thi hành nghị quyết này và chúng tôi cần Nga cũng làm như vậy.”

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Yaşar Halit Çevik bác bỏ những lo ngại của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang lập kế hoạch tiến hành các cuộc hành quân trên bộ tại Syria. Ông nói với các phóng viên: “Các nhà lãnh đạo chính trị của chúng tôi hoàn toàn không giấu giếm gì khi nói Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đưa lực lượng bộ chiến vào Syria nếu đây không phải là một hành động tập thể.” Ông nói thêm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ cứu xét đến việc can thiệp quân sự nếu Hội đồng Bảo an hay Liên minh quốc tế kêu gọi.

Các cuộc thảo luận Geneva bắt đầu

Hoa Kỳ và Nga thảo luận với nhau vào cuối ngày thứ Sáu tại Geneva vào thời điểm ngưng bắn dự trù bắt đầu, nhưng không có chỉ dấu cho thấy có tiến bộ đáng kể. Các giới chức hai nước ngồi lại thảo luận để tìm một phương cách ngưng các hành động thù nghịch dài hạn để giúp các nỗ lực chuyển giao vật phẩm cứu trợ nhân đạo đến các khu vực bị vây hãm tại Syria, nhưng tại đây vẫn chưa ngưng các cuộc giao tranh.

17 quốc gia thuộc Nhóm Yểm trợ Quốc tế Syria ISSG đồng ý thành lập một lực lượng đặc nhiệm ngưng bắn Syria được Liên Hiệp Quốc ủng hộ trong một cuộc họp tại Munich vào ngày 12 tháng 2 vừa qua. Kế hoạch của ISSG là kêu gọi bắt đầu ngưng các hành động thù nghịch sơ khởi trong khi một lực lượng đặc nhiệm do Hoa Kỳ và Nga đồng chủ tịch làm việc về chi tiết của một cuộc ngưng bắn rộng rãi hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG