Đường dẫn truy cập

Diễn văn 'gởi thông điệp mạnh tới NATO, Trung Quốc'


Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội ở Washington, 28/2/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội ở Washington, 28/2/2017.

Các nhà lãnh đạo thế giới đang ngẫm nghĩ về bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước lưỡng viện Quốc hội tối thứ Ba 28/2. Tổng thống Mỹ nói về cam kết của Hoa Kỳ với NATO và kế hoạch của ông sẽ lập lại một hệ thống thương mại toàn cầu mới.

Bài diễn văn của Tổng thống Trump trực tiếp nhắm tới người Mỹ, trong đó ông nhắc đi nhắc lại cam kết đặt nước Mỹ lên ưu tiên hàng đầu, nhưng cả thế giới đã theo dõi bài phát biểu này. Tổng thống Trump:

"Sự lãnh đạo của Mỹ được dựa trên những lợi ích an ninh cốt lõi mà chúng ta chia sẻ với các đồng minh trên toàn thế giới. Chúng ta mạnh mẽ ủng hộ NATO, một liên minh được thành lập từ sự gắn kết của các đồng minh qua 2 cuộc chiến thế giới đã đập tan chủ nghĩa phát xít, đẩy lui cuộc Chiến tranh lạnh, và đánh bại chủ nghĩa cộng sản. Nhưng các đối tác của chúng ta cần phải đáp ứng những nghĩa vụ tài chính của họ."

Giọng điệu hòa diệu hơn của Tổng thống Trump đã được mọi người đón nhận, theo giám đốc về chính sách quốc tế Ian Bond của Trung tâm Cải cách châu Âu có trụ sở tại London.

Ông nói với VOA qua Skype:

"Ông Trump không nhắc lại phát biểu của ông trước đây rằng NATO đã lỗi thời, mà ngược lại ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của NATO. Ông cũng nói rõ là các thành viên của NATO phải đóng góp chi phí của họ."

Tổng thống Trump hứa sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ.


Nhà nghiên cứu chính sách quốc tế Ian Bond nhận xét:

"Thậm chí nhiều người trong Ðảng Cộng hòa đã nói với ông Trump rằng sẽ là một sai lầm khi rút lại các chương trình hỗ trợ phát triển của Mỹ ở nước ngoài và cắt bớt ngân sách của bộ Ngoại Giao để dành tiền tăng chi tiêu quân sự."

Ông David Kelly, giám đốc nghiên cứu của viện nghiên cứu Chính sách Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định rằng Mỹ giảm hoạt động ở nước ngoài được cho sẽ tạo cơ hội cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, tăng ảnh hưởng. Ông nói:

"Một lần nữa, ông Trump đã bỏ ngỏ những khoảng trống lớn cho Trung Quốc để khai thác các mối quan hệ ngoại giao."

Bắc Kinh được Tổng thống Trump nhắc đến khi ông lập đi lập lại rằng hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay không có lợi cho Mỹ. Ông Trump:

"Chúng ta đã mất 60.000 nhà máy kể từ khi Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001."

Ông Trump không trực tiếp nhắc tới lệnh cấm du hành đối với các công dân từ 7 nước phần lớn dân theo đạo Hồi. Lệnh này đã bị tòa án dừng lại.

Ngoài hứa hẹn sẽ tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi Giáo, Tổng thống Trump đã không nhắc gì tới châu Phi – một khu vực đang chú tâm theo dõi chính sách của tân chính phủ Mỹ đối với khu vực này, theo nhà phân tích Steven Gruzd của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nam Phi:

"Chúng ta chưa thấy các chính sách của ông Trump đối với châu Phi sẽ như thế nào trong tháng đầu tiên. Chúng ta không thấy có một trợ lý bộ trưởng ngoại giao đặc trách khu vực này. Chúng ta thấy còn nhiều chức đại sứ đang bỏ trống, trong đó có chức đại sứ ở Nam Phi."

Giọng điệu có chừng mực hơn trong bài phát biểu của Tổng thống Trump nói chung đã được hoan nghênh. Nhưng các nhà phân tích nói nhiều nhà lãnh đạo thế giới muốn thấy các chi tiết cụ thể hơn của chính sách mà Tổng thống Trump hứa về một “chương mới cho sự vĩ đại của nước Mỹ.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG