Đường dẫn truy cập

Mỹ: Thảo luận về tình trạng nợ nần quốc gia bước sang ngày thứ 5 ở Mỹ


Tổng thống Obama họp với lãnh đạo của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Tòa Bạch Ốc, ngày 13/7/2011
Tổng thống Obama họp với lãnh đạo của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Tòa Bạch Ốc, ngày 13/7/2011

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay gặp giới lãnh đạo của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong ngày thảo luận căng thẳng thứ 5 bàn về kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách gắn liền với việc tăng mức giới hạn vay nợ của quốc gia.

Giới lãnh đạo phe Cộng hòa cho biết các cuộc thảo luận hôm qua tại Tòa Bạch Ốc kết thúc một cách đột ngột khi Tổng thống Obama bỏ ra khỏi phòng họp sau khi mạnh mẽ bác bỏ đề nghị của phe Cộng hòa đòi cho thêm thời gian, đổi lại, họ sẽ tán thành việc tăng mức giới hạn vay nợ trong đoản kỳ.

Thế nhưng phe Dân chủ cho hay Tổng thống chỉ kết thúc phiên họp sớm sau khi chỉ trích thái độ mang màu sắc chính trị và thiếu tinh thần thỏa hiệp.

Hôm qua, Chủ tịch QuỹDự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ben Bernanke, khuyến cáo nền kinh tế Mỹ có thể bị rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nếu các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa và Tổng thống không đạt được một thỏa thuận để nâng cao giới hạn luật định về số nợ được phép vay 14,3 ngàn tỷ đô la trước ngày 2/8 năm nay.

Ông Bernanke nhấn mạnh nếu không đạt được thỏa thuận, nước Mỹ sẽ không có tiền chi trả một vài khoản nợ và buộc phải ngưng trả tiền hưu, tiền lương cho binh sĩ, và nhiều người khác nữa.

Cùng lúc đó, công ty xếp hạng tín dụng Moody’s hôm qua khuyến cáo rằng Hoa Kỳ có nguy cơ đánh mất mức điểm xếp hạng tín dụng hàng đầu nếu các nhà lập pháp Mỹ không đạt được một thỏa thuận để tăng mức giới hạn vay nợ và giảm thâm hụt.

Mức đánh giá trái phiếu của Hoa Kỳ bị bị sụt điểm có phần chắc sẽ khiến các khoản vay của Mỹ chịu lãi suất cao hơn.

Một cơ quan đánh giá tín dụng của Trung Quốc hôm nay ra cảnh báo tương tự, nói rằng họ đang theo dõi mức trần nợ của Mỹ với ánh mắt không có gì lạc quan.

Công ty đánh giá tín dụng toàn cầu Dagong cho biết sẽ hạ điểm xếp hạng tín dụng của Mỹ nếu không có thay đổi đáng kể trong khả năng chi trả của Hoa Kỳ trong giai đoạn theo dõi đánh giá.

Trung Quốc là quốc gia mua nhiều trái phiếu của Mỹ nhất.

Phe Dân chủ cho hay các cuộc thương lượng hôm nay sẽ tập trung vào việc tăng thuế, vốn bị phe Cộng hòa bác bỏ.

Phe này muốn cắt giảm chi tiêu sâu rộng hơn nữa. Các đảng viên Dân chủ đồng ý là cần phải cắt giảm chi tiêu, nhưng lập luận rằng để thu hẹp khoảng cách ngân sách cũng cần phải tăng thuế và xóa bỏ các lỗ hỗng về thuế đối với người giàu và các tập đoàn lớn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG