Đường dẫn truy cập

Mỹ-Trung đạt thỏa thuận quan trọng về biến đổi khí hậu


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo chung tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 12/11/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo chung tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 12/11/2014.

Trung Quốc và Hoa Kỳ vừa cùng loan báo điều hai bên gọi là một thỏa thuận quan trọng về biến đổi khí hậu. Thoả thuận đạt được tiếp theo các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết hợp tác với nhau trong nhiều lãnh vực, nhưng các bất đồng giữa hai nước vẫn xuất hiện rõ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Bill Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tại một cuộc họp báo chung tiếp theo các cuộc hội đàm cấp cao ở Bắc Kinh, Washington đã loan báo các kế hoạch cắt giảm lượng khí thải nhà kính tới 28% vào năm 2025. Nếu đạt được thì mục tiêu này sẽ đưa lượng khí thải của Hoa Kỳ xuống tới các mức thấp hơn so với mức của năm 2005.

Trung Quốc không cam kết cắt giảm khí thải, nhưng lần đầu tiên Bắc Kinh định ra một mục tiêu cho mức giới hạn lượng khí thải vào năm 2030.

Tổng thống Barack Obama nói đó là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được cho hai nước sản sinh lượng khí nhà kính lớn nhất thể giới.

Trung Quốc và Hoa Kỳ hy vọng thông báo sẽ giúp khắc phục những bất đồng lâu nay trong các cuộc thương thuyết về biến đổi khí hậu toàn cầu trước Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm tới ở Paris.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước khác để giải quyết những thách thức toàn cầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói “trong lúc Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, chúng tôi sẽ ngày càng gánh vác nhiều hơn các trách nhiệm quốc tế phù hợp với sức mạnh và vị thế của chúng tôi.”

Thoả thuận về biến đổi khí hậu chỉ là một trong nhiều thoả thuận được loan báo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hai nước cũng sẽ tận dụng sức mạnh để chống dịch bệnh Ebola. Mặc dù một số người đã chỉ trích tiến độ của sự đáp ứng ban đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh gây chết người này, ông Tập Cận Bình nêu ra rằng Trung Quốc hiện có hơn 300 nhân viên y tế ở Tây Phi và đã đóng góp hơn 100 triệu vào nỗ lực đó.

Hai bên cũng đồng ý hợp tác với nhau để chống lại các bệnh lây nhiễm khác và đẩy mạnh sự tiếp cận với điện lực ở khắp châu Phi. Tổng thống Obama cho biết hai bên cũng đã bàn về việc tăng cường hợp tác tại Afghanistan và trong việc đối phó với các mối đe doạ khủng bố như Nhà nước Hồi giáo.

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật một thoả thuận mà hai bên đã đạt được giữa hai quân đội dành cho các biện pháp xây dựng lòng tin bao gồm việc thông báo về những hoạt động quân sự quan trọng, và các quy tắc hành sử về an toàn máy bay quân sự và những vụ đụng độ trên biển.

Trước khi Tổng thống Obama thực hiện chuyến thăm 3 ngày tại Trung Quốc, người ta không trông đợi chuyến đi sẽ đem lại nhiều thoả thuận như vậy.

Nhưng vẫn còn các bất đồng quan trọng giữa hai quốc gia, từ những quan ngại về các chính sách nhân quyền của Trung Quốc, các chính sách ở những vùng sắc dân thiểu số, cho tới việc siết chặt kiểm soát các ký giả nước ngoài.

Tổng thống Obama cho biết trong các cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông đã nêu bật lý do vì sao Washington cảm thấy các quyền tự do mà Hoa Kỳ ủng hộ là phổ cập bất kể ở nơi nào, dù là New York, Paris hay Hong Kong.

“Chúng tôi nghĩ lịch sử chứng minh rằng các quốc gia nào ủng hộ những quyền này, kể cả đối với các khối thiểu số sắc tộc và tôn giáo, thì chung cuộc sẽ trở nên thịnh vượng hơn, thành đạt hơn và có nhiều khả năng hơn để đạt được các ước mơ của dân chúng.”

Chủ tịch Tập Cận Bình không trực tiếp trả lời khi được yêu cầu bình luận về những cáo buộc cho rằng các cuộc biểu tình đang tiếp diễn ở Hong Kong được sự yểm trợ của các thế lực tây phương. Nhà lãnh đạo Hong Kong đã công khai đưa ra lời cáo buộc, cũng như các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc trong nhiều dịp. Hoa Kỳ phủ nhận mọi sự can dự vào các cuộc biểu tình.

Ông Tập Cận Bình cho biết ông đã nói với Tổng thống Obama rằng Chiếm Trung là một phong trào bất hợp pháp. Ông nói Trung Quốc “kiên quyết ủng hộ các nỗ lực của chính quyền Vùng Tự trị Đặc biệt Hong Kong nhằm xử lý tình hình theo đúng luật pháp.

Chưa rõ liệu các nhận định của ông Tập Cận Bình có phải là một dấu hiệu rằng bây giờ các giới hữu trách ở Hong Kong có thể giải toả các đường phố. Các chuyên gia phân tích đã tiên đoán rằng một khi các cuộc họp APEC và các cuộc đàm phán cấp cao kết thúc ở Bắc Kinh, thì có phần chắc giới hữu trách Hong Kong sẽ mở một cuộc trấn át toàn diện trong cố gắng chấm dứt những cuộc biểu tình.

Và mặc dầu Trung Quốc và Hoa Kỳ đã loan báo việc nới lỏng các hạn chế về thị thực cho du khách và doanh gia, Chủ tịch Tập Cận Bình đã được một phóng viên yêu cầu giải đáp những quan ngại về những hạn chế ngày càng tăng đối với các ký giả nước ngoài.

Trung Quốc đã bác bỏ hoặc từ chối đơn xin thị thực của các ký giả tờ The New York Times, hãng tin Bloomberg và một phóng viên của thông tấn xã Reuters, trong hành động bị nhiều người coi là một chiến dịch trừng phạt cá nhân các phóng viên hay tổ chức của họ vì những bài báo đã đăng tải.

Một cuộc thăm dò mới đây do Câu lạc bộ Ký giả nước Ngoài ở Trung Quốc thực hiện với hơn 240 thông tín viên nước ngoài cho thấy 80 phần trăm những người được thăm dò cảm thấy tình hình ở Trung Quốc đối với các ký giả đang trở nên tệ hại hơn.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình gợi ý rằng vấn đề là chính các ký giả nước ngoài.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói, “Trung Quốc bảo vệ quyền tự do phát biểu của công dân chúng tôi và các quyền bình thường cũng như lợi ích của các tổ chức truyền thông, theo đúng luật pháp.”

Ông Tập lập luận rằng khi một vấn đề nào đó được nêu ra thì phải có lý do, và nói thêm rằng các cơ quan truyền thông cần phải tuân thủ các luật lệ và quy định của Trung Quốc. Ông không nói rõ chi tiết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG