Đường dẫn truy cập

Mỹ, Trung hướng về Thái Bình Dương


Binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong một cuộc tập trận với quân đội Indonesia trên bãi biển Banongan ở Situbondo, Đông Java, ngày 5/6/2012.
Binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong một cuộc tập trận với quân đội Indonesia trên bãi biển Banongan ở Situbondo, Đông Java, ngày 5/6/2012.
Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ đối tác với Indonesia qua việc cam kết bảo vệ vùng biển Ðông Nam Á chống lại các hiểm hoạ đề ra bởi nạn khủng bố, hải tặc và các căng thẳng lãnh hải vừa nhen nhúm trở lại. Trung Quốc cũng đang xây dựng sự hiện diện hàng hải trong khu vực. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Sara Schonhardt ghi nhận rằng cả hai nước đang phụ thuộc vào tình hữu nghị của Indonesia.

Một số trong các tuyến hàng hải sinh động nhất của thế giới đi ngang qua Indonesia, một quốc gia gồm hơn 17 ngàn hòn đảo. Với hàng tỷ đolâ kim ngạch thương mại lưu chuyển qua lãnh hải mỗi năm, các giới chức Hoa Kỳ nói rằng quốc gia này là chìa khoá trong việc duy trì hoà bình và ổn định khu vực.

Trong khuôn khổ chính sách trục xoáy hướng qua châu Á Thái Bình Dương được Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta loan báo hồi tháng 6 năm ngoái, Hoa Kỳ tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác với Indonesia trong nhiều lãnh vực, kể cả an ninh hàng hải.

Mục tiêu là cùng với các liên minh trong khu vực chống lại các hiểm hoạ chung, theo lời Ðại Uý Adrian Jansen, tuỳ viên hải quân tại Ðại sứ quán Hoa Kỳ, trong khi phát biểu tại một cuộc họp công cộng ở Jakarta trong tuần này.

Ông Jansen cho biết: “Indonesia và Hoa Kỳ đứng trước nhiều hiểm hoạ chung - hiểm hoạ xung đột trong vùng biển Ðông, hiểm hoạ hải tặc ngoài khơi, các thiên tai gây thiệt hại cho quốc gia chúng ta, hiểm hoạ khủng bố và phổ biến vũ khí có sức tàn sát hàng loạt đe doạ đến chính sự tồn vong của chúng ta”.

Các chuyên gia phân tích cảnh báo Hoa Kỳ cần phải nhân các hiểm hoạ chung ấy mà giao tiếp nhiều hơn với Trung Quốc. Nếu không làm như thế, sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ có thể châm ngòi cho các xung đột với Bắc Kinh, là nước cũng đang bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.

Ông Collin Koh là một giảng viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore.

Ông Koh nói: “Nếu ta nhìn vào hình thức các hành động mà chúng ta thấy cho đến thời điểm này, thì dường như điều khá hiển nhiên là trục xoáy Hoa Kỳ chủ yếu nhắm mục tiêu vào việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, trùng hợp với sức mạnh và sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc."

Trong khuôn khổ giao tiếp về hàng hải, Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc thao diễn huấn luyện tập trung vào việc chống hải tặc và tăng cường các kỹ thuật chiến tranh. Các cuộc thao diễn đã tăng lên đáng kể sau khi Hoa Kỳ nối lại quan hệ quân sự với Indonesia vào năm 2005.

Một tàu chiến của Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Ðông.
Một tàu chiến của Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Ðông.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng bành trướng quan hệ thương mại và quốc phòng. Giới truyền thông Indonesia loan tin mới đây Trung Quốc đã bán các phi đạn C-705 để trang bị cho hơn một chục chiến hạm của Indonesia. Hai nước cũng sẵn sàng ký một hợp đồng chuyển nhượng kỹ thuật giúp Indonesia sản xuất các phi đạn trong nước.

Sự tăng cường hợp tác diễn ra vào lúc tranh chấp gia tăng giữa Trung Quốc và nhiều thành viên trong Hiệp hội các Quốc gia Ðông nam Á.

4 trong số 10 thành viên của tổ chức khu vực này đều nhận chủ quyền nhiều phần trong vùng biển Nam Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại đòi chủ quyền toàn bộ khu vực. Trước đây, đã từng xảy ra những vụ đối đầu giữa các đoàn tàu của Philippines và Việt Nam với tàu thuyền của Trung Quốc trong vùng lãnh hải hẻo lánh, châm ngòi cho những mối lo ngại rằng vụ tranh chấp có thể dẫn tới xung đột công khai.

Hôm thứ ba, ông Hạo Ân Tiêu, một giới chức tại đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta, nói rằng Trung Quốc có cam kết với các cuộc thương nghị ngoại giao và bác bỏ các mối quan ngại rằng các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc sẽ dẫn tới đối đầu.

Ông Hạo nói: “Một quốc gia đang tăng trưởng có khuynh hướng bị những người khác cho là có xung đột với các thế lực và ảnh hưởng hiện hữu. Chúng tôi không có kế hoạch nào khác, chẳng hạn như các tình cảm chống lại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ."

Indonesia không đòi chủ quyền phần nào trong lãnh hải đang có tranh chấp, và trong quá khứ, đã đóng một vai trò chủ chốt như một nhà điều giải trong vụ tranh chấp. Nhưng, sau khi không đạt được một thoả thuận nào cụ thể về Biển Ðông trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN mới đây nhất, có một số nhà phân tích lo ngại rằng vụ tranh chấp có thể trở thành một cuộc chiến giành ảnh hưởng trong khu vực có thể gây phương hại cho tình đoàn kết ASEAN, bất chấp các nỗ lực của Indonesia muốn làm trung gian cho một thoả thuận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG