Đường dẫn truy cập

Lo sợ và hy vọng lẫn lộn trong phản ứng trước bài phát biểu của ông Trump


Ông Donald Trump chấp nhận sự đề cử của đảng Cộng hòa tại hội nghị toàn quốc, ở Cleveland, 21/7/2016.
Ông Donald Trump chấp nhận sự đề cử của đảng Cộng hòa tại hội nghị toàn quốc, ở Cleveland, 21/7/2016.

Nhà tỷ phú và trùm bất động sản Donald Trump đã nhận sự đề cử của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống đêm qua và đọc một bài phát biểu được đa số cho là gây phấn khởi, mặc dầu u ám, để chính thức khởi động cho cuộc tranh cử toàn quốc.

Ông Trump đọc bài phát biểu dài nhất trong cuộc vận động tranh cử tính đến ngày hôm nay, đề cập đến rất nhiều vấn đề, và vẽ ra một hình ảnh nước Mỹ trong tình trạng rất vô vọng. Ông nói về những mối đe dọa từ phía các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi giáo, các hiệp định thương mại mà ông cho là tồi tệ, và tỷ lệ giết người ngày càng tăng ở 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ.

Tuy rất dài – tính ra là 1 tiếng 15 phút – điều nổi bật là bài diễn văn thiếu các đề nghị chính sách cụ thể; một sự kiện các đối thủ chính trị của ông Trump mau chóng vạch ra.

Ứng viên từng có nhiều hy vọng ra tranh cử của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đại diện bang Vermont, đã nhắn tin qua Twitter ngay trong khi ông Trump đọc bài phát biểu, nêu ra rằng nhiều lập trường chính sách cấp tiến của ông không có trong cương lĩnh được ông Trump đề ra.

Ông Sanders chỉ trích doanh nghiệp may mặc của ông Trump trong một loạt tin nhắn qua Twitter, kêu gọi ông Trump chuyển các hoạt động sản xuất về Hoa Kỳ để “chỉnh sửa” thương mại – một trong các đề nghị chính sách ông Trump đề cập đến, nhưng đã không đi vào chi tiết.

Trong một loạt tin nhắn Twitter, ông Sanders nói: “Chỉnh sửa thương mại. Hãy ngưng sản xuất hàng may mặc của Trump ở Mexico. Chỉnh sửa thương mại. Hãy ngưng sản xuất áo sơ mi của Trump ở Bangladesh với mức lương công nhân 30 xu một giờ. Thật là một tay đạo đức giả! Nếu muốn “chỉnh sửa” thương mại thì ông Trump có thể bắt đầu bằng cách sản xuất các sản phẩm của ông ở Hoa Kỳ, chứ không phải ở các nước ngoài với mức lương thấp.

Những tin nhắn qua Twitter ngay trong lúc ông Trump phát biểu được nhiều người theo dõi đến độ tạo ra một hashtag #RNCwithBernie, được truy cập đến hết đêm.

Phản ứng trước bài diễn văn của ông Trump trong giới phê bình chính sự mang tính cách lẫn lộn một cách không ngờ, và tùy thuộc vào đường lối đảng phái, mặc dầu một số đảng viên Cộng hòa còn chưa chịu ủng hộ ông Trump cũng chỉ trích ông kịch liệt không kém các đối thủ của ông Trump bên đảng Dân chủ.

Ông Bill Kristol, chủ biên tạp chí Weekly Standard có chủ trương bảo thủ và là đối thủ quyết liệt của ông Trump, đã chỉ trích ông Trump trong suốt bài phát biểu, nhưng cuối cùng thừa nhận rằng phong cách của ông có thể chính là những gì cần đến để thắng cử trong năm nay.

Ông Kristol viết: “Tôi không tự tin vào khả năng phán đoán của tôi rằng liệu một bài phát biểu tại đại hội như thế này có tỏ ra hữu hiệu hay không. Nhưng tôi nghi là bài này sẽ có hiệu quả. Chúng ta có thể (và nên) chế giễu lối phát biểu la lối của ông Trump và nội dung hoa hòe hoa sói của bài phát biểu. Tôi ước gì tôi có thể tự tin hơn rằng bài phát biểu này sẽ không có tác dụng.”

Ông Trump và các diễn giả khác tại đại hội đã nói về việc sẽ chấp nhận nhiều hơn các công dân trong khối người đồng giới và lưỡng giới, hay LGBT, và bảo vệ họ trước bạo lực. Sự ủng hộ mà các đảng viên Cộng hòa vừa mới dành cho cộng đồng LGBT đã khơi ra cả những lời reo hò phản đối lẫn hoan nghênh khi mọi người nêu ra rằng cương lĩnh của đảng Cộng hòa có thể vẫn được coi là mang tính kỳ thị đối với những người đồng tính.

Ông Ari Fleischer, một cựu phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống George W. Bush, ca ngợi ông Trump về lời lẽ của ông. Ông Fleischer viết: “Thật là tuyệt diệu khi nhìn thấy những người đồng tính được đón nhận một cách cởi mở và hân hoan tại đại hội. Một sự kiện lẽ ra phải diễn ra từ lâu rồi.”

Tuy nhiên, những người khác vạch ra rằng cương lĩnh chính thức của đảng Cộng hòa ủng hộ liệu pháp chuyển giới cho những người đồng tính, và đảng muốn đảo ngược một phán quyết của Tối cao Pháp viện hợp thức hóa hôn nhân giữa những người đồng tính.

Bà Andrea Bernstein, một chánh chủ biên tại đài phát thanh công cộng của New York WNYC đả kích ông Trump là đi ngược lại cương lĩnh của đảng.

Bà viết, “Trong tư cách là tổng thống tôi sẽ làm tất cả mọi thứ trong quyền hạn của tôi để bảo vệ những người đồng giới và lưỡng giới trước chủ thuyết thù ghét ngoại lai. Cương lĩnh của đảng Cộng hòa là: Không có hôn nhân, không có con cái.”

Trong khi đó, đối thủ của ông Trump bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, nêu ra rằng, "Cương lĩnh chính thức của đảng Cộng hòa ủng hộ liệu pháp chuyển giới."

Bà viết: "Chúng ta khá hơn thế này."

Tuy nhiên, về phía đảng Cộng hòa, nhiều người coi bài phát biểu của ông Trump là một cách để tiếp cận những người có thể không thường bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.

Bà Laura Ingraham, một nhà bình luận bảo thủ và là người ủng hộ ông Trump, nói bà coi bài phát biểu là “mở rộng thêm cơ sở của đảng Cộng hòa.”

Bà viết, “Những người dân nghèo khó ở nội thành sẽ không bị xao lãng nữa. Họ đã chịu đựng đủ đau khổ dưới thời Obama.”

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng lên tiếng ủng hộ ông Trump, và nhắn tin qua Twitter với ông Trump và người được chọn làm phó Mike Pence rằng: “Hãy đi đến cùng … Hãy quyết thắng kỳ này.”

Tương tự như thế, Chủ tịch ban Chấp hành đảng Reince Priebus nhắn qua Twitter rằng ông “rất phấn khởi bầu” cho ông Trump.

VOA Express

XS
SM
MD
LG