Đường dẫn truy cập

Libăng trỗi dậy sau nội chiến: gương sáng cho nước láng giềng Syria


Bất kể chiến tranh ở nước láng giềng Syria, các tòa nhà tiếp tục mọc lên ở Beirut. (VOA/V. Undritz)
Bất kể chiến tranh ở nước láng giềng Syria, các tòa nhà tiếp tục mọc lên ở Beirut. (VOA/V. Undritz)
Chỉ cách đây 20 năm, Beirut đã rơi vào cảnh tàn phá sau cuộc nội chiến. Ngày nay, đến luợt nước láng giềng Syria trải qua cuộc nội chiến. Nhưng sự hồi sinh của Beirut, thủ đô Libăng, chứng tỏ các thành phố có thể bật trở lại như thế nào.

Khách sạn Holiday Inn cũ ở Beirut, lỗ chỗ với những vết đạn, nhắc nhở du khách các cuộc giao tranh bằng súng đã từng bùng ra dọc theo lằn ranh Xanh chia cắt phía Tây của người Hồi giáo với phía đông của người Cơ đốc giáo ra sao.

Một thế hệ sau, các quán cà phê trên đường phố đầy ắp khách. Quang cảnh thành phố mới ở Beirut là một quang cảnh với những cửa hàng lịch sự, và những tòa tháp dùng làm văn phòng – và những cần cẩu xây dựng. Phần lớn Beirut đã được tái thiết.

Ông Oliver Martin-Robinson, một chuyên gia phân tích người Anh ở đây, nhìn ngắm những cao ốc mọc lên. Ông nói: “Xây dựng bùng phát ở Lebanon và các công trình đã diễn tiến khá lâu. Phần lớn tập trung vào địa ốc sang trọng, cơ sở dành làm văn phòng cũng như trung tâm thành phố.”

Ông Ronnie Chatah, một sử gia chuyên về các thành phố, hướng dẫn tua du lịch Walk Beirut. Ông phải vất vả mới tìm ra được những tòa nhà còn lại sau các thời kỳ đế chế Ottoman và thuộc địa Pháp cách đây một thế kỷ.

Ông Chatah giải thích: “Có những ổ bên trong Beirut, gọi là khu phố cổ, có hiện tượng phục hồi chậm trễ. Nhưng không có nhiều. Tôi nghĩ công cuộc tái thiết, hay ít nhất là tái phát triển lấn át công cuộc phục hồi, và tôi nghĩ điều đó là một sự mất mát cho lịch sử Beirut, hay ít nhất là cho lịch sử kiến trúc của thành phố này.

Nhiều thương xá sang trọng và những căn hộ hàng triệu đôla được xây dựng cho những người ở vùng Vịnh. Các du khách giàu có từ vùng Vịnh Ba Tư đến để thưởng thức phong cách sống của Beirut - cởi mở theo truyền thống, và đôi khi mang tính tận lực hưởng thụ.

Nhưng sau khi cuộc nội chiến bùng ra ở Syria, tin tức về bạo động đã làm nhiều du khách sợ hãi lánh xa. Các chính phủ ở các quốc gia vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo công dân chớ nên đi thăm Beirut trong năm nay vì nguy cơ bạo lực từ Syria tràn qua.

Ông Martin-Robinson nói: “Tỷ lệ chiếm dụng địa ốc thường rất thấp ở trung tâm thành phố. Ta có thể thấy điều đó trong sự kiện không có nhiều người quanh đây. Nhiều khu thuộc quyền sở hữu của những người từ vùng Vịnh. Như quý vị biết, họ đã tránh tới đây, vì thế những nơi này vẫn trống không.”

Bất kể chiến tranh kề sát, các tòa nhà tiếp tục mọc lên ở Beirut.

Hướng dẫn viên du lịch Chatah nói đó là một sự pha trộn giữa địa điểm và tinh thần kinh doanh của người Libăng. Ông Chatah nói: “Ðịa điểm của Beirut vừa nằm ở trong vẻ đẹp lẫn trong vận hạn của thành phố cùng một lúc. Nó nằm bên bờ Ðịa Trung Hải - với hậu cảnh là ngọn núi Lebanon phủ tuyết. Và đồng thời, đây cũng là nơi đa số các cuộc chiến tranh Trung Ðông diễn ra – ngay ở Beirut này.”

Một trạm dừng trong “tua” du lịch của ông là một nhà tắm thời La Mã cổ 2000 năm vừa được phát hiện. Căn phòng đã bị che giấu nhiều thế kỷ, gần đây nhất là ở bên dưới một cao ốc chính phủ thời thuộc địa Pháp.

Kể từ thời cổ La Mã, Beirut đã trải qua những trận động đất, các cuộc chiến tranh và những cuộc xâm lăng. Lần nào “Viên Kim cương của Trung Ðông” cũng bật trở lại, với tia sáng lấp lánh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG