Đường dẫn truy cập

Lệnh cấm thịt bò ở bang Maharashtra miền Tây Ấn Độ


Một trung tâm cứu trâu bò bị giết mổ ở làng Aangaon, miền tây bang Maharashtra, Ấn Độ
Một trung tâm cứu trâu bò bị giết mổ ở làng Aangaon, miền tây bang Maharashtra, Ấn Độ

Tại tiểu bang Maharashtra miền Tây Ấn Độ, một lệnh cấm tiêu thụ thịt bò đã được sự hoan nghênh của các nhóm Hindu có liên hệ với đảng cầm quyền Bharatiya Janata, nhưng lại bị những người liên quan đến ngành kinh doanh này, đa số là người Hồi giáo, đả kích kịch liệt. Theo tường trình của thông tín viên Anjana Pasricha từ New Delhi, giới mua bán thịt bò cho rằng lệnh cấm sẽ làm cho hàng chục ngàn người thất nghiệp.

Khi lệnh cấm có hiệu lực (hôm thứ Năm) nhiều cơ sở giết mổ thịt bò ở Maharashtra đã đóng cửa. Món thịt bò đã biến mất trên thực đơn của các nhà hàng, bao gồm cả những nhà hàng hạng sang ở Mumbai – thủ phủ tài chính của Ấn Độ.

Đảng Bharatiya Janata, đã giành được quyền kiểm soát tiểu bang miền Tây này hồi năm ngoái, đã thực thi lệnh cấm theo một đạo luật đã được thông qua khi đảng này cầm quyền tiểu bang khoảng 20 năm trước nhưng nó chưa bao giờ được áp dụng sau khi đảng này mất quyền lực.

Theo luật này, sở hữu hay bán thịt bò có thể đưa đến việc bị phạt tiền hoặc đi tù tới 5 năm.

Mặc dù loài bò cái, được người Hindu xem là thần thánh, đã được bảo vệ trong quốc gia đa số người Hindu, luật mới còn mở rộng cả với việc giết mổ bò đực, bò thiến và bò con.

Chủ tịch của Hội Đại lý thịt bò ngoại ô Mumbai, ông Mohammad Ali Qureshi, nói lệnh cấm sẽ cướp đi đến kế sinh nhai của hàng chục ngàn người bán thịt, bán lẻ thịt bò, các công nhân và những người có liên quan đến ngành thương mại này.

Ông nói rằng nhiều người trong số này thuộc vào tầng lớp thấp kém nhất và nghèo nhất trong xã hội, những người không có trình độ học thức để kiếm được việc làm khác hay có tiền để tạo dựng các doanh nghiệp thay thế.

Ông nói rằng những người đã bị thất nghiệp mà không được báo trước vì lệnh cấm được áp dụng đột ngột.

Việc tiêu thụ thịt bò nội địa chủ yếu giới hạn trong số những người không theo Ấn giáo, nhưng trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nổi lên thành một nước xuất khẩu thịt bò đứng hàng thứ nhì thế giới, chủ yếu có nguồn gốc từ trâu.

Vị thế đó khiến nhiều nhóm người theo Ấn giáo có liên hệ với đảng cầm quyền BJP không hài lòng. Họ nói rằng dưới vỏ bọc của việc giết mổ trâu và bò đực, nhiều con bò cái đang bị giết mổ bất hợp pháp.

Tổng thư ký của nhóm Hindu Vishwa Parishad theo chủ trương cứng rắn, hay Hội đồng Hindu Thế giới, ông Venkatesh Abdev, cho biết họ sẽ vận động cho một lệnh cấm tiêu thụ thịt bò trên toàn quốc. Các lệnh cấm tương tự đã được áp dụng ở hai tiểu bang khác là Gujarat và Madhya Pradesh, cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát của đảng BJP.

Ông Abdev đồng ý là lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến ngành thương mại thịt bò đang phồn thịnh, nhưng ông nói rằng đã phải trả một cái giá nào đó vì việc giết mổ gia súc là một vấn đề tình cảm đối với người Hindu.

Với những người theo đạo Hồi đang kiểm soát phần lớn ngành mua bán thịt bò, lệnh cấm có phần chắc sẽ mang âm hưởng chính trị khi nó trở thành một vấn đề chia rẽ giữa các nhóm theo Ấn giáo và các nhóm theo Hồi giáo.

Ông Mohammad Shahid Sheikh là chủ tịch của nhóm vận chuyển thịt bò ở Deonar, nơi toạ lạc cơ sở giết mổ thịt bò lớn nhất Ấn Độ. Ông cho biết những vụ chận xe tải chuyên chở gia cầm tăng thêm trong những tháng gần đây. Các nhà hoạt động người Hindu bị đổ lỗi gây ra những cuộc tấn công.

Ông Sheikh nói khi chúng tôi đặt câu hỏi và nói với họ là chúng tôi đang tuân theo tất cả các quy định, họ nói với chúng tôi là họ sẽ không để cho các con vật bị giết mổ nữa.

Các nhà phân tích chính trị nói lệnh cấm thịt bò có thể đem lại thêm vũ khí cho giới chỉ trích cáo buộc đảng cầm quyền BJP là quảng bá cho nghị trình dân tộc chủ nghĩa của người theo Ấn giáo.

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử hồi năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi đã chỉ trích chính phủ của đảng Quốc đại trước về việc quảng bá một “cuộc cách mạng hồng cho việc giết mổ gia súc”.

Trong khi đó, lệnh cấm thịt bò đã trở thành một đề tài hàng đầu được nhiều người quan tâm trên Twitter khi được thông báo vào đầu tuần này. Một số người ủng hộ quyết định đó nhưng hàng ngàn người lại chỉ trích. Nhiều người đã đưa ra những so sánh châm biếm giữa tiến trình bảo vệ những con bò cái với tình trạng thiếu tiến bộ về an toàn cho phụ nữ và nói rằng: “Thực là tin vui khi biết rằng những con bò cái được an toàn hơn cả phụ nữ ở Ấn Độ” và “Thật là tin vui khi biết được rằng một con bò cái có thể đi ra đường vào buổi tối và muốn ăn mặc ra sao cũng được.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG