Đường dẫn truy cập

Vẫn chưa chặn được phát xạ tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản


Thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật trong trang phục bảo hộ giúp đưa các công nhân bị nhiễm phóng xạ ra ngoài
Thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật trong trang phục bảo hộ giúp đưa các công nhân bị nhiễm phóng xạ ra ngoài

Giới hữu trách Nhật Bản đang tiếp tục nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân bị hư hỏng. Khu nhà máy Fukushima-1 bị hư hại sau một trận động đất mạnh cách đây hai tuần, và hiện vẫn đang phát xạ vào không khí.

Bên ngoài, hôm nay hơi nước vẫn bốc lên từ các tòa nhà chứa các lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Fukushima-1 ở đông bắc Nhật Bản. Bên trong, người ta vẫn tiếp tục công tác sửa chữa, đưa vào hoạt động trở lại hệ thống làm nguội tự động, giúp ngăn chặn khả năng phát xạ tồi tệ hơn từ khu nhà máy bị hư hỏng nghiêm trọng.

Chính phủ Nhật Bản đã khuyến cáo người dân sống cách nhà máy trên từ 20 tới 30 km nên rời khỏi nhà, nhưng không có một lệnh sơ tán bắt buộc được đưa ra cho khu vực đó. Những người sống trong vòng bán kính 20 km trước đó đã được yêu cầu rời khỏi khu vực do có quan ngại về phóng xạ.

Ông Hidehiko Nishiyama, Phó Giám đốc Cơ quan An toàn Công nghiệp và hạt nhân, cho biết có thể chất phóng xạ sẽ tiếp tục lan xa, và việc kiểm tra về mức độ phát xạ cần phải được tiến hành.

Tình trạng hơi phóng xạ tiếp tục phát ra đã khiến chính quyền đưa ra các cảnh báo về nước máy trong khu vực xa cơ sở hạt nhân tới 300 km về phía nam.

Tình trạng này cũng khơi ra những mối quan ngại trên các thị trường quốc tế về an toàn đối với hải sản, sữa và rau quả của Nhật Bản.

Hai trong số ba nhân viên dẫn cáp điện tại tòa nhà chứa turbine của lò phản ứng số 3 đã trượt chân vào nước phóng xạ và đã được xe cứu thương đưa tới một bệnh viện chuyên khoa ngày hôm nay. Họ sẽ được chữa trị tại Viện Khoa học Phóng xạ Quốc gia sau khi bị bỏng ở chân vì chất phóng xạ ngày hôm trước.

Bộ trưởng Thương mại Banri Kaieda đã đổ lỗi cho một “sơ hở về an toàn” khi để cho các nam nhân viên bị phơi nhiễm ra mức phóng xạ cao gấp 100.000 lần mức bình thường, được phát hiện trong nước dùng để làm nguội lò phản ứng.

Ông Kaieda đổ lỗi cho Công ty Điện lực Tokyo đã không theo dõi và quản lý sát sao nên đã để xảy ra việc tiếp xúc vừa kể. Ông cũng nói rằng công ty cần phải cải tiến việc theo dõi phóng xạ tại cơ sở điện hạt nhân bị hư hỏng.

Kể từ khi xảy ra trận động đất mạnh 9.0 độ richter kéo theo sóng thần hôm 11/3, tỷ lệ phóng xạ cao, cháy nổ tại một số lò phản ứng đã làm chậm nỗ lực tiến hành các sửa chữa quan trọng để ổn định tình hình.

Con số người thiệt mạng chính thức từ trận động đất và cơn sóng thần hôm 11/3 tiếp tục tăng. Cơ quan cảnh sát quốc gia cho biết hơn 10.000 người đã chết trong khi hơn 17.000 người khác hiện vẫn mất tích.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG