Đường dẫn truy cập

Thảo luận tự do Internet nhân ‘Ngày nhân quyền Việt Nam’


Bà Nguyễn Thể Bình nói Internet là 'một công cụ bắt buộc cần phải có để cho người dân có thể tiến triển được một cách tốt đẹp hơn'.
Bà Nguyễn Thể Bình nói Internet là 'một công cụ bắt buộc cần phải có để cho người dân có thể tiến triển được một cách tốt đẹp hơn'.

Nhân ‘Ngày nhân quyền Việt Nam’, một cuộc hội thảo với chủ đề ‘Tự do Internet ở châu Á’ đã diễn ra ngày 11 tháng 5 tại Thượng viện Hoa Kỳ với sự tham gia của hàng trăm người Việt cùng đại diện các tổ chức quốc tế. Nhiều Dân biểu và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ quan tâm tới tình hình Việt Nam cũng đã có mặt, tham gia góp ý kiến. Mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam' tuần này.

Khác với chủ đề của năm 2009 về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với xã hội dân sự và nhân quyền, cuộc hội thảo lần này tập trung trao đổi vấn đề tự do Internet ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

Bà Nguyễn Thể Bình, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, một trong những người tổ chức lễ kỷ niệm ‘Ngày nhân quyền Việt Nam’, vốn được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua 16 năm trước, nhận định rằng ‘tự do Internet là một điều rất quan trọng bởi vì phương tiện này giúp người dân nhanh chóng cập nhật thông tin’.

Bà Bình nói: ‘Rất nhiều người có thể học hỏi, theo dõi tình hình quốc tế, nắm vững vấn đề ngay tại địa phương và có thể nâng cao sự hiểu biết của họ về các vấn đề kỹ thuật, an ninh. Vì thế, Internet là một công cụ bắt buộc cần phải có để cho người dân có thể tiến triển được một cách tốt đẹp hơn. Khi các quốc gia có những vấn đề về tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do Internet và tự do ngôn luận, đó là những bước cản để cho con người ta có thể có được một cuộc sống bình an và hạnh phúc và có thể tạo cho một quốc gia tiến triển nhanh chóng’.

Ngoài cộng đồng người Việt, còn có các phái đoàn gốc Miến Điện, Tây Tạng, Khmer và Trung Quốc tới tham dự lễ kỷ niệm và cuộc hội thảo.

Ông Dương Kiến Lợi, một trong những nhà hoạt động Trung Quốc hàng đầu trong vụ Thiên An Môn hồi những năm 80, nói rằng tự do Internet là ‘một phần của dòng chảy thông tin tự do và người dân có quyền tiếp cận các thông tin đó’.

Ông Dương Kiến Lợi nói 'người dân có quyền tiếp cận các thông tin' trên Internet.
Ông Dương Kiến Lợi nói 'người dân có quyền tiếp cận các thông tin' trên Internet.

Nhà dân chủ này nói với VOA Việt Ngữ: ‘Tôi nghĩ bất kỳ một chính phủ nào cũng cần phải minh bạch và không được phép kiểm duyệt thông tin trên Internet mà người dân cần. Dòng thông tin tự do mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, trong đó có cả chính quyền. Họ có thể hiểu rõ điều gì đang xảy ra trong xã hội, trên thế giới, để đi tới các chính sách hữu ích. Lấy ví dụ ở Trung Quốc, thường có ý kiến cho rằng người dân trong nước bị chặn tường lửa Internet chịu thiệt thòi, nhưng hay bỏ qua một thực tế rằng chúng tôi, những người ở phía kia của bức tường lửa đó, cũng là nạn nhân, vì chúng tôi không tiếp cận được đầy đủ thông tin, và thậm chí là thông tin sai lệch’.

Tán đồng quan điểm đó, dân biểu Chris Smith cho rằng người dân ‘cần phải được tự do nói lên tiếng nói của mình’ trong mọi lĩnh vực.

Ông nói: ‘Tự do Internet là khi người dân có thể tự do bày tỏ ý kiến một cách bất bạo động về mọi vấn đề, trong đó có chính trị và tôn giáo, mà không sợ bị chính quyền hay mật vụ đàn áp tại bất kỳ quốc gia nào. Lấy ví dụ, tại Hoa Kỳ, nếu tôi bất đồng quan điểm với Tòa Bạch Ốc, họ không thể tới nhà tôi, tra khảo, đưa ra tòa rồi tống giam tôi như từng xảy ra ở Việt Nam'.

Đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ này cho biết thêm: 'Một điều đáng chú ý là sau bốn năm thương thảo, công ty Internet Yahoo đã đưa các thông tin cá nhân trong các tài khoản email ra khỏi Việt Nam, sang nước trung lập thứ ba không có tình trạng giới hạn Internet. Công ty Yahoo đã nói với tôi như vậy. Trong khi đó, server tài khoản Gmail của Google thì không nằm ở Việt Nam. Đây là một bước đi tích cực bởi lẽ chúng tôi thấy rằng tại một số nước, lực lượng công an mật có thể tới các công ty Internet để yêu cầu các thông tin về tài khoản email của một cá nhân nào đó. Họ thậm chí còn yêu cầu tiết lộ cả thông tin về những người mà chủ tài khoản giao dịch. Có nhiều người đã phải ngồi tù vì chuyện đó’.

Ông Smith cũng chính là người đề xuất dự luật tự do Internet toàn cầu, một dự luật được nhiều tổ chức nhân quyền và cả đại công ty Google ủng hộ.

Ông cho biết dự luật đang chờ thông qua này sẽ ‘bảo vệ các thông tin tự do ngôn luận chính trị, tôn giáo bất bạo động cũng như buộc các công ty công nghệ thông tin phải chịu trách nhiệm nếu họ đồng lõa với các chính phủ áp chế khi tiết lộ thông tin người sử dụng Internet’.

Hồi cuối năm 2009, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua với đa số phiếu thuận Nghị quyết HR 672, kêu gọi Việt Nam ‘tôn trọng tự do Internet’.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối nghị quyết này, gọi thông tin trong đó là ‘thiếu khách quan’ và ‘sai lệch’.

Hà Nội nhấn mạnh: ‘Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tại Việt Nam không có ai bị bắt, giam giữ và xét xử vì bày tỏ chính kiến’.

Khi được hỏi về phản ứng của phía Việt Nam, bà Bình nói rằng ‘mọi người đều biết đâu là sự thật’: ‘Chúng ta cũng biết tại sao có những đài vẫn có thể nghe được ở trong nước và có những đài bị cấm. Có những đài vẫn có thể truyền một số tin tức, nhưng một số tin tức khác lại bị ngăn cản hoặc là người dân trong nước khi dùng Internet lại phải đăng ký để cho họ có thể truy tìm ra người dùng cái máy đó tên gì, ở đâu và sử dụng những phương tiện gì để có thể truyền tin và đã bị bắt như trong quá khứ. Đó là những thí dụ điển hình nhất để cho chúng ta thấy sự canh chừng gắt gao và sự quản chế nghiêm ngặt của chính quyền Việt Nam với dân chúng’.

Số liệu của Việt Nam cho hay, cho tới tháng Ba vừa qua, có khoảng 24 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, tức chiếm 28% dân số 86 triệu người.

Nhiều người trong số đó đã sử dụng mạng toàn cầu để trao đổi thông tin qua các phương tiện như blog, forum hay các trang mạng xã hội.

Tổ chức Viễn thông Quốc tế từng công nhận Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2002 – 2007.

Chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các thông tin hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG