Đường dẫn truy cập

Đại sứ Michalak: ‘Lòng tin giữa VN và Hoa Kỳ gia tăng rất nhiều’


Đại sứ Michalak: ‘Lòng tin giữa VN và Hoa Kỳ gia tăng rất nhiều’
Đại sứ Michalak: ‘Lòng tin giữa VN và Hoa Kỳ gia tăng rất nhiều’

Thưa quý vị, nhân 15 năm bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội và Washington, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak đã nêu bật những kết quả hai quốc gia đã đạt được trong mọi lĩnh vực, dù vẫn còn những khác biệt quan điểm về nhân quyền. Trong một cuộc họp báo tại Hà Nội mới đây, ông Michalak cũng thông báo về chuyến thăm của các giới chức cao cấp Hoa Kỳ tới Hà Nội trong thời gian tới. Nguyễn Trung ghi nhận những điểm chính trong bài phát biểu của ông Michalak trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

‘Phát triển sâu và rộng’ là đánh giá chung của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak về mối bang giao Hà Nội - Washington kể từ khi hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngày 12/7/1995.

Đại diện ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng sự kiện này mở đầu cho việc tiến tới mở đại sứ quán ở Hà Nội cũng như tổng lãnh sự quán tại TP HCM, nhằm ‘thực hiện một loạt các chương trình tác động tới hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu người ở Việt Nam’.

Về thương mại, ông Michalak cho biết, giao thương giữa hai quốc gia ‘đã tăng trưởng 3.300%, và năm ngoái Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam’.

Ông cho hay: ‘Thương mại hai chiều đạt 15,4 tỷ đôla năm 2009. Chúng tôi xuất khẩu gỗ cứng sang Việt Nam, và Việt Nam dùng để sản xuất đồ nội thất rồi lại xuất ngược sang Hoa Kỳ. Việt Nam cũng mua nhiều bông từ Hoa Kỳ, rồi sau đó chế biến và sản xuất quần áo để xuất khẩu sang Mỹ. Việt Nam cũng nhập nhiều đậu tương từ Hoa Kỳ, rồi chế biến thành thức ăn để nuôi cá và xuất cá sang Mỹ’.

Ông cũng thừa nhận rằng, hiện Hoa Kỳ đang bị thâm hụt thương mại khoảng 10 tới 12 tỷ đôla với Việt Nam, ‘nhưng chúng tôi tin có thể tăng lượng xuất khẩu sang Việt Nam’.

Ông Đại sứ cũng cho biết, trong hơn một thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã cấp gần 300 nghìn visa cho người Việt sang nước này, trong đó có gần 40 nghìn sinh viên.

Ngoài ra, cùng khoảng thời gian đó, Washington đã cấp hơn một nghìn học bổng với trị giá 75 triệu đôla cho các công dân Việt Nam.

Ông Michalak còn cho hay, hiện có gần 13 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, đưa Việt Nam đứng thứ tám trong số các nước có nhiều du học sinh ở Hoa Kỳ.

Liên quan tới lĩnh vực hợp tác quân sự, người đứng đầu Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội đánh giá rằng quan hệ giữa hai nước trên lĩnh vực này ‘đã phát triển vượt bậc’.

Ông cho rằng việc Việt Nam củng cố hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ cho thấy ‘một phần mong muốn hội nhập toàn cầu của Việt Nam’, nhất là việc ‘gia tăng quan hệ quân sự với các quốc gia láng giềng’.

Ông Đại sứ đánh giá: ‘Chúng tôi tin tưởng rằng duy trì quan hệ quan sự mạnh mẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, giúp chúng ta cùng nhau hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực cứu nạn khi thảm họa xảy ra đồng thời giúp Hoa Kỳ thực hiện các chương trình hỗ trợ quân sự và y tế, chẳng hạn như xây dựng các trường học và chữa bệnh cho người dân Việt Nam'.

Ông nói thêm: 'Chúng tôi hiện làm việc chặt chẽ với chính phủ Việt Nam về chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ vào khoảng tháng Tám, và chúng tôi hy vọng đây sẽ là chuyến cập cảng đặc biệt nhằm kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ. Một điểm nổi bật là việc Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh sang thăm Hoa Kỳ hồi cuối năm ngoái’.

Một lần nữa, ông Michalak khẳng định lại quan điểm của chính quyền của Tổng thống Obama là ‘không đứng về phía nào đối với các tuyên bố chủ quyền các đảo ở biển Đông’ nhưng ‘rất quan ngại về vấn đề lưu thông hàng hải tự do cũng như việc tự do tiến hành các hoạt động theo luật quốc tế ở khu vực biển này’.

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói: ‘ASEAN đã ra tuyên bố ứng xử biển Đông nhằm đa phương hóa cũng như thảo luân các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Chúng tôi nghĩ rằng các bên nên tận dụng cơ chế đó nhằm giải quyết tranh chấp này. Trên hết, chúng tôi nghĩ rằng tất cả các tranh chấp ở biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực.

Khi được hỏi về vấn đề nhân quyền cũng như tự do Internet ở Việt Nam, Đại sứ Michalak nhấn mạnh rằng chính phủ hai nước ‘vẫn còn nhiều khác biệt về vấn đề này’.

Ông Michalak nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam 'vẫn còn khác biệt' về vấn đề nhân quyền, dù 'lòng tin đã gia tăng'.
Ông Michalak nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam 'vẫn còn khác biệt' về vấn đề nhân quyền, dù 'lòng tin đã gia tăng'.

Ông cho hay: ‘Chúng tôi đang tìm cách giải quyết những bất đồng này thông qua đối thoại nhân quyền song phương và trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc cũng như các cuộc trao đổi chính thức và không chính thức với chính phủ Việt Nam diễn ra gần như hàng ngày. Chúng tôi cũng đã biết về các bài báo và tin tức về các phần mềm khác nhau để chặn việc truy cập Internet cũng như nhiều trang web bị chặn.

Ông Đại sứ nói thêm: 'Chúng tôi đang tiếp tục thu thập thêm thông tin về việc này. Duy trì tự do Internet là điều cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bản thân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton từng khẳng định rằng việc bảo đảm tự do Internet là một mục tiêu quan trọng đối với chính quyền Hoa Kỳ hiện nay’.

Ngoài các vấn đề hiện thời, theo ông Michalak, Hoa Kỳ tiếp tục làm việc với chính quyền Hà Nội để giải quyết những di sản của Chiến tranh Việt Nam, trong đó có việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, rà phá các vật nổ còn sót lại cũng như vấn đề chất da cam.

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng thông qua các hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, ‘lòng tin giữa chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam đã gia tăng rất nhiều’ trong thời gian qua, dù không hoàn toàn đồng thuận về mọi vấn đề.

Ông nói: ‘Đối với các bất đồng, chúng tôi sẵn sàng ngồi lại để trao đổi một cách cởi mở và thẳng thắn. Những vấn đề cần phải trao đổi đã được mở rộng với sự tham gia của tất cả các bộ ngành ở Việt Nam. Tôi có thể đến bất cứ nơi nào ở Việt Nam để trao đổi với người dân ở mọi tầng lớp để nghe họ trình bày mọi quan điểm. Hai nước có rất nhiều mối quan tâm chung và lợi ích chung như hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Á. Ngoài ra, hai bên quan tâm tới một hệ thống giáo dục tốt, tạo ra những công dân có thể giúp cho hai đất nước của chúng ta phát triển. Hai bên cũng quan tâm tới việc thúc đẩy một hệ thống thương mại toàn cầu, hiệu quả, mang lại thịnh vượng cho hai nước’.

Ông Michalak còn cho hay, ông thường khuyến khích tất cả các thành viên trong phái đoàn Hoa Kỳ ở Hà Nội và TP HCM gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn với người dân Việt Nam.

Ông nói việc thúc đẩy ngoại giao nhân dân kiểu này ‘là hình thức tốt nhất để góp phần cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước’: 'Càng có nhiều sự tiếp xúc, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về chúng tôi, và chúng tôi cũng hiểu rõ hơn về các bạn. Điều đó sẽ giúp củng cố lòng tin lẫn nhau’.

Đại sứ Michael Michalak cũng xác nhận rằng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ tới tham gia các chương trình song phương cũng như dự Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) vào cuối tháng Bảy.

Ngoài ra, ông còn cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates bày tỏ ý định muốn tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng vào tháng 10 năm nay.

Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các tin tức hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG