Đường dẫn truy cập

Ấn Độ thu hồi chiếu khán nhập cảnh của nhà hoạt động chống hạt nhân Nhật Bản


Ngư dân địa phương cầm cờ đen để phản đối hoạt động hạt nhân, bên ngoài nhà máy hạt nhân do Nga xây dựng ở Kudankalam, trong bang Tamil Nadu miền nam Ấn Độ
Ngư dân địa phương cầm cờ đen để phản đối hoạt động hạt nhân, bên ngoài nhà máy hạt nhân do Nga xây dựng ở Kudankalam, trong bang Tamil Nadu miền nam Ấn Độ

Chính phủ ở New Dehli đã thu hồi chiếu khán nhập cảnh của một nhân vật hoạt động chống hạt nhân Nhật Bản định tới Ấn Độ nhân dịp kỷ niệm một năm ngày xảy ra thảm họa Fukushima. Từ thủ đô Ấn Độ, thông tín viên Kurt Achin của đài chúng tôi tường thuật rằng hành động vừa kể là một phần của xu thế bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích sự vội vã của Ấn Độ trong việc phát triển năng lượng hạt nhân.

Ấn Độ cho biết họ quyết định rút lại visa đã cấp cho bà Maya Koyabashi vì lịch hoạt động của bà không phù hợp với mục đích của chuyến du hành mà bà đã khai trong đơn xin chiếu khán.

Hòa bình Xanh Ấn Độ, tổ chức đứng ra tiếp đón bà Koyabashi, cho biết lý do thật sự của quyết định đó là bà Koyabashi định diễn thuyết trước những người chống đối năng lượng hạt nhân gần địa điểm được qui hoạch để xây lò phản ứng hạt nhân ở tiểu bang Tamil Nadu.

Bà Koyabashi cư ngụ ở Fukushima khi xảy ra trận động đất và sóng thần hồi năm ngoái. Bà đã phải dời chỗ ở vì mối quan tâm về bức xạ từ lò phản ứng bị hư.

Một nhà hoạt động của tổ chức Hòa bình Xanh Ấn Độ, bà Karuna Raina, cho biết bà Koyabashi và những người sống sót khác trong thảm họa Fukushima đã đến thăm các nước dùng nhiều năng lượng hạt nhân, như Nam Triều Tiên, nhưng Ấn Độ là nước duy nhất không cho phép bà nhập cảnh.Bà Raina nói:

"Bà ấy không phải là người sẽ làm những điều bậy bạ. Bà ấy không đe dọa tới đất nước chúng ta. Bà ấy chỉ tới đây để nói về những trải nghiệm của mình."

Những nhân vật tranh đấu như bà Raina nói rằng việc thu hồi visa phản ánh điều mà họ gọi là “không gian dân chủ bị co cụm” trong việc thảo luận về năng lượng hạt nhân ở Ấn Độ.

Bà Raina cho biết chính phủ đã không lường trước là họ sẽ gặp phải sự chống đối quyết liệt của dân chúng đối với những dự án hạt nhân qui mô lớn, đặc biệt là ở nhà máy Kudamkulam trong tiểu bang Tamil Nadu. Ngày bắt đầu vận hành nhà máy này đã bị đình hoãn vì những vụ biểu tình phản kháng.

"Đây là một cuộc tranh đấu tự phát, bất ngờ. Tôi muốn nói là chính phủ đã không dự kiến được là họ sẽ gặp phải sự chống đối dữ dội của người dân, và bây giờ họ không thể giải quyết và không biết phải xử lý như thế nào."

Ông S.P. Udaykumar và Phong trào Nhân dân chống năng lượng hạt nhân của ông đã cầm đầu việc tổ chức các cuộc biểu tình. Ông nói rằng người dân bình thường ở Ấn Độ có những mối quan tâm sâu sắc về vấn đề an toàn hạt nhân: Ông giải thích:

"Tại một nước đông dân như Ấn Độ, một tai nạn nhỏ cũng sẽ có những tác động vô cùng tai hại cho một số người rất đông. Dĩ nhiên Chernobyl hay Fukushima chưa xảy ra ở đây. Nhưng điều đó không có nghĩa là những tai họa như vậy sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu quí vị nhìn kỹ vào thành tích của Ấn Độ trong việc quản lý thảm họa, quí vị sẽ thấy thành tích đó thật là tệ hại."

Ông Udaykumar phủ nhận tố cáo hồi gần đây của Thủ tướng Manmohan Singh là những cuộc biểu tình chống hạt nhân được tài trợ của những tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài.

Ông Udaykumar nói rằng những tố cáo như vậy, và việc thu hồi chiếu khán của bà Koyabashi, cho thấy thái độ hoảng loạn của chính phủ Ấn Độ trong cuộc tranh luận về vấn đề hạt nhân. Ông nói:

"Thái độ bất khoan dung như vậy thật là không phù hợp với bản sắc của Ấn Độ. Chúng ta đang trở nên hẹp hòi. Chúng ta đang có tâm lý nghi ngờ người nước ngoài."

Ông Michael Green, cựu cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết những chính sách năng lượng hạt nhân của Nhật Bản sau thảm họa Fukushima có phần chắc sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với Ấn Độ và Hoa Kỳ. Ông nói:

"Nếu chính phủ Nhật không thuyết phục được mọi người tin tưởng về sự an toàn và an ninh của năng lượng hạt nhân, và nếu các phong trào xã hội dân sự hoặc các nhà hoạt động chính trị ở địa phương được gia tăng sức mạnh và nắm bắt thế chủ động, thì điều đó cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia dân chủ khác, nơi mà dân chúng đang có nghi vấn về năng lượng hạt nhân và vấn đề an toàn."

Các giới chức Ấn Độ nói rằng điện hạt nhân hầu như là lựa chọn duy nhất để thỏa mãn nhu cầu năng lượng khổng lồ và mỗi lúc một tăng và để kiểm soát lượng khí thải carbon. Chính phủ của quốc gia đông dân hàng thứ nhì thế giới này đề ra mục tiêu là điện hạt nhân sẽ chiếm 25% tổng sản lượng điện vào năm 2050.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG