Đường dẫn truy cập

Các công ty Ấn Độ mua mỏ than ở nước ngoài


Một công nhân Ấn Ðộ đội giỏ than trong sân một nhà ga xe lửa ở thành phố Chandigarh, Âh Ðộ
Một công nhân Ấn Ðộ đội giỏ than trong sân một nhà ga xe lửa ở thành phố Chandigarh, Âh Ðộ

Một công ty về cơ sở hạ tầng Ấn Độ đã ký một thỏa thuận mua cổ phần trong các mỏ than tại Úc. Đây chỉ là trường hợp gần đây nhất của một công ty Ấn Độ tìm kiếm than đá tại hải ngoại, cần thiết để chạy các nhà máy nhiệt điện đang được xây cất hầu giúp cho nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng. Hành động vội vã thủ đắc nguồn than đá diễn ra trong lúc những cố gắng gia tăng sản lượng nội địa đang bị sa lầy trong những vấn đề môi trường.

Công ty xây dựng hạ tầng cơ sở GVK vừa loan báo sẽ trả khoảng 1.25 tỉ để mua đa số cổ phần tại 3 mỏ than và và 1 dự án về cửa khẩu và đường sắt từ công ty Hancock của Úc. GVK đang xây dựng các phi trường, các nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác tại Ấn Độ.

Việc sản xuất tại các mỏ than tại Úc sẽ bắt đầu vào năm 2014 và đem lại khoảng 30 triệu tấn than mỗi năm. Công ty GVK cho biết điều này sẽ đảm bảo một mức cung ứng đủ về nguyên liệu cho các nhà máy điện của họ.

Chuyện công ty GVK mua cổ phần tại các mỏ than đi tiếp theo sau những cố gắng tương tự của những công ty lớn khác của Ấn Độ. Từ Indonesia và Úc cho tới Mozambique và Nam Phi, các tập đoàn như Reliance và Tatas đã chi ra khoảng 8 tỉ trong 4 năm qua để mua các mỏ than.

Công trình “chạy đua tìm than”, như tên gọi của nó, xảy tới khi nhu cầu về than của Ấn Độ gia tăng, mà mức sản xuất nội địa lại không bắt kịp mức cầu.

Ấn Độ có trữ lượng về than lớn thứ tư thế giới. Nhưng theo ông V. Raghuraman, chuyên gia về năng lượng, các kế hoạch khai mỏ than trong nước đang bị sa lầy vì những quan ngại ngày càng gia tăng liên quan đến hủy hoại môi trường.

Ông nêu ra rằng, nhiều khu vực có nhiều mỏ than năm nay đã bị tuyên bố cấm khai thác:

“Thực sự thì than thường có ở những khu vực rừng cây rậm rạp. Cho nên rất khó khai thác mỏ than tại những nơi đó.… Khi trước đây cựu Bộ trưởng môi trường còn tại chức, ông đã ấn định những khu vực không được khai thác mỏ. Thực tế, một số vùng đã được chấm để cho các công khai thác. Điều này gây ra một vấn nạn thực sự, bởi vì người ta đã đầu tư, và quí vị nhận ra rằng không thể khai thác mỏ than tại một số nơi vì các vấn đề môi trường.”

Tình trạng kể trên dấy lên mối đe dọa thiếu than tại nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, nơi gần 2/3 năng lượng là do các nhà máy điện chạy bằng than cung cấp.

Một số Bộ trưởng trong chính phủ đã vận động để cho phép khai thác mỏ than, nếu các công ty hứa sẽ khôi phục lớp rừng xanh một khi các khu mỏ đã cạn kiệt.

Nhưng trong lúc cuộc tranh luận còn diễn ra sôi nổi, ông Raghuraman nói rằng các công ty Ấn Độ đang quay sang những nước khác để đảm bảo nguồn cung cấp than.

“Các nhóm môi trường nói cho dù người ta khai mỏ xong rồi trồng rừng lại, tình trạng sẽ không thể nào được như thiên nhiên tái tạo rừng …. Sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta tới khai mỏ tại Úc và Indonesia nơi những vấn đề môi trường được qui định minh bạch hơn.”

Các công ty Ấn đã đầu tư hàng tỉ đô la trong những năm gần đây để xây các nhà máy nhiệt điện, hầu bù đắp sự thiếu hụt năng lượng to lớn của Ấn Độ.

Khoảng 500 triệu người trong nước không có điện. Trong lúc Ấn Độ đang đẩy mạnh việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân, các nhà máy điện chạy bằng than vẫn còn là giải pháp của nước này trong nhiều thập niên nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG