Đường dẫn truy cập

Hòa đàm Syria vòng 2 sắp diễn ra, không có nhiều triển vọng đột phá


Trẻ em đi bộ trên đường phố hoang tàn ở Deir al-Zor miền đông Syria, 6/2/14
Trẻ em đi bộ trên đường phố hoang tàn ở Deir al-Zor miền đông Syria, 6/2/14
Các nhà thương thuyết của chính phủ Syria và phe chống đối sẽ gặp nhau tại Geneve vào ngày thứ hai tuần sau để tiến hành vòng đàm phán hòa bình thứ nhì. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Al Pessin của đài VOA tại London, không có nhiều hy vọng là vòng đàm phán này sẽ có đột phá để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm nay.

Một tuần lễ giữa hai vòng đàm phán đã giúp cho những hoạt động ngoại giao khác có thời gian để diễn ra, trong đó có chuyến viếng thăm đầu tiên đến Moskova của lãnh tụ liên minh đối lập Syria và các cuộc tham khảo ý kiến giữa các giới chức hàng đầu của Nga và Liên hiệp quốc.

Nhưng tuần lễ này cũng là lúc chính phủ Syria gia tăng cường độ của những vụ tấn công nhắm vào các khu vực của phe nổi dậy, trong đó có cả những vụ ném bom thùng gây nhiều chết chóc cho thường dân.

Các chiến binh nổi dậy cũng gia tăng hoạt động và hầu hết những người này đã không chịu được đại diện trực tiếp tại các cuộc thương thuyết.

Theo giáo sư Reinoud Leenders của Đại học King ở London, đó chính là lý do làm cho việc thực thi bất kỳ thỏa thuận nào trở thành một việc rất khó khăn. Ông nói:

"Ngay cả trong trường hợp họ đạt được một thỏa thuận, có được một thỏa thuận liên quan tới vấn đề cứu trợ hay liên quan tới tiến trình chuyển tiếp chính trị, thì vẫn có một vấn đề nan giải là làm thế nào để thuyết phục những người đang chiến đấu ở Syria để họ hợp tác."

Vấn đề này còn trở nên khó khăn nhiều hơn nữa nếu Tổng thống Bashar al-Assad nắm giữ một vai trò nào đó trong chính phủ tương lai. Các chiến binh nổi dậy nhất định đòi ông Assad phải ra đi, nhưng những người Syria ủng hộ ông, cùng với Nga và Iran, khăng khăng cho rằng ông phải ở lại.

Những vấn đề dường như không thể nào giải quyết như vậy đã gây cản trở cho những nỗ lực chấm dứt xung đột ở nhiều nơi trên thế giới.

Giáo sư Daniel Serwer của Đại học Johns Hopkins, cựu đặc sứ Mỹ tại Bosnia, là người đã tham gia nhiều vòng đàm phán để có được hiệp định đầu tiên tại Hộïi nghị Hòa bình Dayton để chấm dứt cuộc chiến Bosnia hồi thập niên 1990. Ông cho biết như sau:

"Vòng đàm phán nào cũng đều có những sự kỳ vọng rất cao, nhưng rốt cuộc chúng tôi vẫn không đạt được thỏa thuận nào cả. Chỉ sau khi có sự can thiệp quân sự thì mới có được thỏa thuận. Có thể có một bài học ở đó."

Hiện giờ không ai nói tới vấn đề can thiệp quân sự ở Syria, một phần là vì hành động đó có thể làm mạnh thêm cho các nhóm hiếu chiến vốn đã mạnh trong phe chống đối ở Syria.

Nhưng giáo sư Leenders của Đại học King e rằng nếu không có một sự thay đổi nào đó có tính chất kịch liệt thì sẽ không có hòa bình mà chỉ có hòa đàm mà thôi. Giáo sư Leenders nói:

"Đương nhiên là có những mối lo ngại là tiến trình hòa bình, nếu chúng ta có thể gọi đây là tiến trình hòa bình, sẽ trở thành một sự thay thế cho một giải pháp hòa bình và một sự giàn xếp chính trị; và tiến trình này có thể kéo dài trong một thời gian rất lâu."

Hiện hãy còn quá sớm để biết được cuộc hòa đàm Syria ở Geneve có phải là một tiến trình như vậy hay không. Đây chỉ là vòng thứ nhì của cuộc đàm phán mà mọi người đều tin là rất khó khăn.

Tuy nhiên, nhà điều giải Lakhdar Brahimi tiếp tục muốn sớm có kết quả ít ra là về các vấn đề nhân đạo, để xây dựng sự tin tưởng và để giúp cho những người bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh có được mối hy vọng là tiến trình này rốt cuộc có thể mang lại hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG