Đường dẫn truy cập

Hàng trăm người Hmong đang lẩn trốn sau cuộc biểu tình ở Điện Biên


Người sắc tộc Hmong ở Việt Nam
Người sắc tộc Hmong ở Việt Nam

Hàng trăm người sắc tộc Hmong ở Mường Nhé, Điện Biên, đang lẩn trốn trong rừng sâu sau khi lực lượng công quyền giải tán hàng ngàn người tụ tập chờ xem điều mà người ta tin là sự xuất hiện của Ðức Chúa trời.

Hãng thông tấn AFP trích thuật lời một cư dân không nêu tên vì lý do an ninh nói rằng bắt đầu từ cuối tháng tư có khoảng 10.000 người Hmong từ khắp nơi kéo về Mường Nhé, trong số này có những người ở tận Tây Nguyên, vì có tin nói rằng ngày 21/5 Ðức Chúa trời sẽ tái hiện.

Báo cáo hiếm hoi về tình hình ở tỉnh Điện Biên này trái ngược với các loan báo của chính quyền Việt Nam nói rằng tình hình đã trở lại bình thường, và những người tụ tập đã trở về nhà, đồng thời tuyệt đối cấm ký giả nước ngoài tiếp cận tới khu vực.

Trả lời VOA Việt Ngữ, 2 cư dân địa phương xác nhận rằng cuộc biểu tình đã bị giải tán, nhưng từ chối không cho biết chi tiết nào thêm:

“Mọi người đã về nhà, về quê hết rồi, hiện giờ không còn gì nữa. Có một số người thiệt mạng trong đó có trẻ em vì đói khát, không ăn uống gì, nhưng không rõ số thiệt mạng là bao nhiêu.”

“Em là một người dân tộc tại Mường Nhé, Điện Biên. Không biết họ làm gì nhưng thấy rất nhiều, rất nhiều người dân tộc đi vào trong đó, nhưng hiện nay mọi người đã về hết rồi.”

Chính phủ Việt Nam tố cáo các phần tử cực đoan đã lợi dụng cuộc tụ tập này để cổ xúy một vương quốc Hmong tự trị nhưng nguồn tin được AFP trích dẫn cho biết không nghe nói tới chuyện đó.

Theo nguồn tin của AFP, có hơn 100 người bị tố cáo là lãnh đạo người biểu tình đã bị bắt và chừng 500 đến 600 người khác hiện đã trốn vào rừng trong khi nhiều người khác vẫn chờ đợi và hy vọng Chúa trời xuất hiện.

Tổ chức bảo vệ quyền tự do tôn giáo có trụ sở ở Anh mang tên Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Thế giới (CSW) nói họ tin rằng nhiều người Hmong đến từ các nơi khác vẫn chưa về nhà, còn lưu lại ở Điện Biên. Vẫn theo nguồn tin của AFP, lực lượng an ninh thông báo sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực cho tới cuối tháng này.

Tuần trước, chính quyền Hà Nội tố cáo Human Rights Watch xuyên tạc tình hình ở Việt Nam bằng những nhận xét thiếu khách quan và thù địch, đồng thời đề nghị báo chí không nên tin vào Human Rights Watch sau khi tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ này yêu cầu Việt Nam điều tra đầy đủ và công khai sự việc ở Mường Nhé.

Phát biểu với Ban Việt Ngữ đài VOA, ông Brad Adams, đại diện Human Rights Watch, phản hồi trước tố cáo của Việt Nam.

Ông Brad Adams nói: “Chính quyền Việt Nam hầu như lúc nào cũng phản hồi trứơc các báo cáo được thu thập tài liệu cẩn thận và nghiên cứu kỹ lưỡng của chúng tôi bằng cách nói rằng chúng tôi một chiều, chống lại Việt Nam. Chúng tôi không lạ gì nữa. Điều chúng tôi luôn mong đợi là chính quyền Việt Nam nói họ sẽ điều tra các cáo giác. Thật buồn cười khi chính quyền Việt Nam kêu gọi giới truyền thông nên hay không nên tin vào một nguồn tin nào. Giới hoạt động báo chí là những người chuyên nghiệp, họ sẽ đánh giá các bằng chứng, các nguồn tin, và các cáo giác, rồi tự quyết định loan tin như thế nào. Sự kêu gọi đó là sai lầm vì báo chí phải hoạt động độc lập, không theo chỉ thị của ai cả.”

Theo Trung tâm Phân tích Chính sách Công (CPPA) trụ sở tại Hoa Kỳ, có hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương khi lực lượng chính quyền tới đàn áp cuộc biểu tình.

Hà Nội khẳng định không dùng võ lực giải tán cuộc tụ tập của người Hmong và cho biết một số người phản ứng quá đáng đã bị bắt và sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Nguồn: AFP, Scoop Independent News, VOA Việt Ngữ

VOA Express

XS
SM
MD
LG