Đường dẫn truy cập

Hàng chục trẻ em Việt biến mất sau khi được giải cứu từ tay buôn người ở Anh


Một nhóm thiếu niên Việt Nam đã bị bắt tại Bradford trong một cuộc bố ráp của cảnh sát phát hiện số lượng lớn cần sa trồng lậu tại đây.
Một nhóm thiếu niên Việt Nam đã bị bắt tại Bradford trong một cuộc bố ráp của cảnh sát phát hiện số lượng lớn cần sa trồng lậu tại đây.

Hơn 150 trẻ vị thành niên Việt Nam đã biến mất khỏi các trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở Anh kể từ năm 2015, gây ra lo ngại rằng các em có thể đã rơi trở lại vào tay các chủ nô lệ trẻ em.

Theo Times, chỉ riêng trong mùa hè này, có ít nhất 21 em đã biến mất, trong đó có 12 em ở Rochdale. Trong số này, có một nhóm thiếu niên được cảnh sát giải cứu từ một xe tải buôn người đã biến mất trong vòng 48 giờ sau khi được giao cho trung tâm Rochdale.

Cảnh sát Greater Manchester đã kêu gọi cộng đồng giúp tìm kiếm nhóm trẻ, nhưng cuộc điều tra đã bị xếp lại sau ba tháng. Trung tâm Rochdale cũng chối bỏ trách nhiệm, nói rằng họ chỉ chăm sóc nhóm trẻ em này chưa tới hai ngày và việc xác minh nhóm này có phải là trẻ vị thành niên hay không vẫn chưa hoàn tất.

Số liệu do Times thu thập từ 351 trung tâm cho thấy có 152 trẻ em Việt Nam đã biến mất vĩnh viễn khỏi các trung tâm này kể từ năm 2015.

Mùa hè vừa qua, có hai bé gái, 14 tuổi và 15 tuổi, đã mất tích ở York được tìm thấy một tuần sau tại Bedfordshire và Thames Valley, cách đó hàng trăm dặm.

Times dẫn lời Trung tâm Wolverhampton cho biết, năm ngoái, có 3 trẻ em Việt Nam đã biến mất ngay trong đêm đầu tiên sau khi cảnh sát bố ráp một nhà xưởng và đưa họ vào trung tâm.

Vài năm gần đây, nhiều trẻ em Việt Nam đã bị cảnh sát phát hiện trong các cuộc bố ráp vào các trại trồng cần sa, nơi các em nhập cư và lao động bất hợp pháp.

Tình trạng trồng cần sa lậu ngày càng nhiều ở Anh đã làm gia tăng tệ nạn buôn người từ Việt Nam sang Anh. Các tổ chức tội phạm phát hiện ra rằng trồng cần sa tại chỗ dễ dàng hơn nhập khẩu, nên đã dụ dỗ những người trẻ vào làm vườn và trong các tiệm làm móng tay rửa tiền.

Vẫn theo Times, trẻ em xin tị nạn không có người lớn đi kèm và nạn nhân nô lệ và buôn người thường có nguy cơ mất tích rất cao. Nhiều người trong số này không nói được tiếng Anh, rời gia đình ở quê hương và bị bắt cóc hoặc tìm cách nhập lậu vào Anh để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi đến nơi, nếu bị phát hiện, họ sẽ theo lời khuyên của những kẻ buôn người, khai mình dưới 18 tuổi để được đưa vào các trung tâm chăm sóc chứ không phải nơi giam giữ người nhập cư bất hợp pháp.

Ngay cả khi được đưa vào các trung tâm chăm sóc, nhiều trẻ em vẫn chịu ảnh hưởng và áp lực từ những kẻ buôn người để tìm cách quay về với họ. Do đó, nhiều em đã biến mất trong vòng 48 giờ và việc tìm lại chúng rất khó khăn.

Việc hàng loạt trẻ em Việt Nam mất tích khỏi các trung tâm chăm sóc ở Anh đã gây ra những nghi ngờ về cách bảo vệ trẻ em của chính quyền địa phương.

Baroness Butler-Sloss, Chủ tịch nhóm Quốc hội phụ trách về buôn bán người và nô lệ hiện đại, nói những con số này “rất đáng lo ngại”. Bà cho rằng Văn phòng Nội vụ Anh cần phải xác định xem có vấn đề gì cụ thể, đặc biệt khiến trẻ em Việt Nam nhanh chóng biến mất sau khi được đưa vào các trung tâm chăm sóc xã hội và “cần phải có một sự sắp xếp đặc biệt” cho các trẻ em này.

Bộ Nội vụ Anh nói họ nhận thức được vấn đề và đang phát triển một hệ thống độc lập để giúp các trung tâm giải quyết nhu cầu của trẻ em là nạn nhân buôn người.

VOA Express

XS
SM
MD
LG