Đường dẫn truy cập

Đảng đối lập Ý khai thác cuộc khủng hoảng di dân sau khi thủ tướng từ chức


Hàng ngày có thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tới bờ biển phía nam của Ý. (Ảnh tư liệu)
Hàng ngày có thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tới bờ biển phía nam của Ý. (Ảnh tư liệu)

Nước Ý đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới tiếp theo quyết định từ chức của thủ tướng Matteo Renzi sau một cuộc biểu quyết “không” của cuộc trưng cầu dân ý về đề nghị thay đổi hiến pháp hôm Chủ nhật vừa qua. Trong khi các yếu tố về kinh tế và chính trị khiến cử tri muốn trừng phạt thủ tướng Renzi, các nhà phân tích nói cuộc khủng hoảng di dân ở Ý cũng đóng 1 vai trò và vấn đề này dường như sẽ là đề tài trong những chiến dịch vận động tranh cử sắp tới.

Hơn 176.000 di dân đang ở tạm trong các trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Ý.

Trước khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật, thủ tướng sắp ra đi Metteo Renzi đã đe dọa phủ quyết ngân sách của Liên Minh Châu Âu nhằm buộc các nước thành viên phải chia sẻ gánh nặng với nước Ý. Thủ tướng Metteo Renzi nói:

"Bối cảnh quốc tế là một sự hỗn loạn và châu Âu đang chật vật. Các nước mới gia nhập liên minh gần đây nhất lại là những nước muốn xây tường ngăn."

Lời kêu gọi này lại quá nhỏ và quá muộn màng, theo lời của nhà phân tích Riccardo Fabiani của tổ chức tư vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới Eurasia Group:

"Nhiều người nghĩ rằng ông ấy quá yếu đuối đối với châu Âu và đặc biệt là bắc Âu. Ở Ý, người ta cho rằng chính phủ cần phải cứng rắn hơn với Đức và cả với những di dân."

Hàng ngày có thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tới bờ biển phía nam của Ý. Cho tới lúc này, hầu hết họ tới từ Libya nơi sự hỗn loạn về chính trị cho phép những kẻ chuyển lậu người trục lợi từ các chuyến tàu chở người vô tận.

Châu Âu ủng hộ chính phủ đoàn kết quốc gia Libya được quốc tế công nhận. Nhưng sự ủng hộ đó đã không thể ngăn chặn làn sóng người di dân đổ vào châu Âu, theo ông Fabiani. Ông nói:

"Việc ủng hộ chính phủ đoàn kết quốc gia – một chính phủ yếu ớt, chia rẽ và cho tới lúc này không hề có hiệu quả – là không hợp với ý tưởng có một thỏa thuận với một chính quyền mạnh, một chính phủ mạnh ở Libya mà có thể chấm dứt được làn sóng di dân."

Một số đảng đối lập, như Liên Hiệp Phương Bắc cực hữu theo chủ nghĩa dân túy, nói nước Ý nên thay đổi, thay vào đó ủng hộ tướng Khalifa Haftar của Libya:

"Haftar trong tâm trí của họ là một nhà lãnh đạo kiểu ‘tướng Sisi’ (tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ) có thể giúp họ có được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng di dân. Do đó chắc chắn là có một số đảng sẽ tìm cách tận dụng vấn đề này."

Làn sóng di dân giảm xuống khi mùa đông đến. Ông Ferry Schippers của tổ chức cứu trợ Bác sỹ Không Biên giới nói với VOA qua Skype từ con tàu cứu hộ Aquarius đang hoạt động cùng với tổ chức từ thiện SOS Địa Trung Hải"

"Nước biển dâng cao hơn, mưa nhiều hơn, trời lạnh và tôi thấy ngạc nhiên khi mọi người vẫn tiếp tục vượt biển. Chúng tôi đang làm một công việc mà đáng ra chúng tôi không nên làm. Ý tôi là giải pháp này cần phải được đưa ra từ một tổ chức khác. Và chúng tôi ở ngoài đó bởi vì rõ ràng là những gì đã làm thì chưa đủ."

Tổ chức Các Bác Sỹ Không Biên Giới nói có gần 5.000 người đã chết trong năm nay trên đường vượt biển. Ý và châu Âu đã chưa thể tìm ra một giải pháp nào cho vấn đề này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG