Đường dẫn truy cập

Dân biểu Mỹ kêu gọi đưa Việt Nam vào danh sách ‘cần quan tâm đặc biệt’ về tự do tôn giáo


Chủng sinh xếp hàng trong một buổi lễ tại Nhà thờ Công giáo Hà Nội ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Chủng sinh xếp hàng trong một buổi lễ tại Nhà thờ Công giáo Hà Nội ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel thúc giục Ngoại trưởng Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo khi cho rằng tình trạng vi phạm nhân quyền của chính phủ ở Hà Nội ngày càng trầm trọng, trong khi Bộ Ngoại giao ở Washington tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á mà họ mới thiết lập đối tác chiến lược toàn diện.

Trong một bức thư gửi tới ông Blinken, mà văn phòng của bà Steel chia sẻ với VOA, dân biểu đại diện cho Địa hạt 45 của tiểu bang California, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất ở Mỹ sinh sống, nói rằng bà lo ngại khi Mỹ chỉ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) trong khi Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã liên tục khuyến nghị đưa quốc gia Đông Nam Á trở lại danh sách “Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt” (CPC).

Mỹ vào đầu tháng 1 năm nay tuyên bố tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách SWL mà không đưa quốc gia Đông Nam Á vào danh sách CPC, vốn dành cho các nước vi phạm “có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”.

“Tôi kêu gọi xem xét lại để chỉ định Việt Nam là Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt vì Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng vi phạm các quyền tự do tôn giáo,” bà Steel, đồng chủ tịch khối các thành viên Hạ viện Mỹ quan tâm đến các vấn đề Việt Nam (Congressional Vietnam Caucus) từng thúc giục Tổng thống Joe Biden nêu vấn đề nhân quyền Việt Nam khi thăm Hà Nội vào năm ngoái, nói trong bức thư đề ngày 5/3.

Trích dẫn các ghi nhận từ truyền thông, bà Steel nói rằng “Việt Nam đã gia tăng đàn áp các quyền tự do tôn giáo nhiều hơn so với 4 năm trước, bao gồm cả việc giam giữ 260 tù nhân lương tâm.”

Theo bà Steel, người đang tranh cử để tiếp tục là dân biểu liên bang Mỹ ở địa hạt có phần lớn người Mỹ gốc Việt sinh sống, các tù nhân lương tâm tôn giáo ở Việt Nam “phải đối mặt với các bản án tù dài hạn, bị biệt giam, bị xét xử bất công và bị nhà nước công an độc đảng giam giữ một cách tùy tiện.”

“Trong Chu kỳ Kiểm định Phổ quát (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam tại Geneva, Đảng Cộng sản Việt Nam cam kết bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cho tất cả mọi người ở Việt Nam, đồng thời bảo vệ các dân tộc thiểu số cũng như không áp đặt các hạn chế pháp lý đối với họ,” bà Steel, người từng cùng gia đình trốn chạy khỏi chế độ Cộng sản ở Triều Tiên trước khi nhập cư vào Mỹ cách đây hàng thập kỷ, nói trong bức thư.

Tuy nhiên, bà Steel cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đã xấu đi đáng kể từ năm 2019 và rằng Hà Nội đã “áp dụng mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chính sách tôn giáo, trong đó yêu cầu các cộng đồng tôn giáo phải đăng ký tổ chức và nơi thờ cúng của họ với chính phủ như một điều kiện tiên quyết cho hoạt động tôn giáo.”

Dân biểu Mỹ thúc giục Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam thả tất cả các tù nhân chính trị và đảm bảo tôn trọng nhân quyền cũng như yêu cầu Ngoại trưởng Blinken đưa ra chi tiết dự định thực hiện các khuyến nghị của USCIRF để đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Trả lời yêu cầu bình luận của VOA, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Bộ này “không bình luận về thư gửi đến từ quốc hội” nhưng cho biết chính phủ Hoa Kỳ “vẫn rất quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.”

“Chúng tôi lo ngại về việc thiếu không gian để người dân Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình, đặc biệt là trên mạng,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong email gửi VOA hôm 8/3. “Hiện đang có một xu hướng đáng lo ngại là sự quấy rối, bắt giữ bất công và các bản án khắc nghiệt nhắm vào công dân, nhà báo và người bảo vệ nhân quyền Việt Nam vì thực hiện quyền bày tỏ quan điểm và niềm tin của mình.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW), có trụ sở ở New York, hồi tháng 1 nói rằng chính phủ Việt Nam đã gia tăng đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản đồng thời trừng phạt khắc nghiện những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản trong năm 2023. Chính phủ Việt Nam sau đó phản bác báo cáo của HRW và cho rằng các thông tin của tổ chức này đưa ra là “bịa đặt.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington lo ngại rằng chính phủ Việt Nam “duy trì sự kiểm soát đáng kể đối với các hoạt động tôn giáo và luật pháp Việt Nam có những điều khoản mơ hồ hạn chế quyền tự do tôn giáo vì các lý do về an ninh quốc gia và sự đoàn kết trong xã hội.”

USCIRF hồi đầu tháng 1 đã bày tỏ thất vọng vì Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đưa Việt Nam vào danh sách SWL mà không đưa quốc gia này vào danh sách CPC. Trong 15 năm qua, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này vào năm 2007.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Ban Á châu của HRW, cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ nên liệt Việt Nam vào danh sách CPC vì “Hà Nội liên tục can thiệp và phá hoại việc thực hành quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của các nhóm tôn giáo và giáo phái độc lập.”

Nói với VOA qua email hôm 11/3, ông Robertson cho biết chính quyền Việt Nam “coi tôn giáo là thứ cần được nhà nước kiểm soát chặt chẽ và coi những người chống lại sự kiểm soát đó là những người bất đồng chính kiến sẽ bị bắt và truy tố.”

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam luôn nói rằng không có người nào bị bắt và bỏ tù chỉ vì bày tỏ chính kiến mà chính quyền chỉ kết án những người phạm tội.

“Thật là phẫn nộ và không thể chấp nhận được khi Bộ Ngoại giao (Mỹ) hàng năm bác bỏ các khuyến nghị của USCIRF về việc xếp Việt Nam vào danh sách quốc gia CPC (cần quan tâm đặc biệt),” ông Robertson nói và cho rằng điều này cho thấy “thái độ thực sự của các quan chức Hoa Kỳ, những người nói lớn về nhân quyền nhưng về cơ bản lại không có hành động cụ thể để chấm dứt các hành vi lạm dụng của Việt Nam.”

Mỹ và Việt Nam nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Biden hồi tháng 9. Theo giới quan sát, khi mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam chặt chẽ hơn giữa bối cảnh Washington muốn giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh, thì vấn đề nhân quyền bị coi nhẹ hơn trước.

“Khi các nhà lãnh đạo Mỹ tới Hà Nội, tất cả những gì họ nói đến là kinh doanh, cung cấp vốn JETP (đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng), giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng và kiềm chế Trung Quốc,” ông Robertson nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nhân quyền là trụ cột trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và cho biết Washington thường xuyên hợp tác với các đối tác chính phủ Việt Nam trong các cuộc đối thoại thẳng thắn về các mối quan ngại về nhân quyền. Người phát ngôn tái khẳng định lời kêu gọi rằng Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ oan uổng và tôn trọng các quyền con người cho mọi cá nhân ở Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về những quan ngại của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như lời kêu gọi của bà Steel về việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Khi bị Mỹ đưa vào danh sách SWL vào tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng quyết định này là “thiếu khách quan” vì cho rằng chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.”

Theo ông Robertson, Mỹ “chưa nỗ lực đủ để bảo vệ nhân quyền và nếu muốn thay đổi điều đó, họ sẽ cần phải sử dụng các biện pháp trừng phạt và chính sách thương mại để buộc chính phủ Việt Nam phải hành động.”

“Hoa Kỳ nên công bố các biện pháp trừng phạt Magnitsky chống lại các lãnh đạo vi phạm nhân quyền trong Bộ Công an, và có hành động để tổ chức phản đối nỗ lực mới của Việt Nam nhằm tái đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc,” ông Robertson nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG