Đường dẫn truy cập

Mỹ lên tiếng về việc Việt Nam định danh 2 tổ chức người Thượng là ‘khủng bố’


Người Thượng-Dega ở Mỹ tuần hành tại Washington, DC hôm 1/3 để phản đối chính quyền Hà Nội vi phạm quyền của người dân vùng Tây Nguyên ở Việt Nam.
Người Thượng-Dega ở Mỹ tuần hành tại Washington, DC hôm 1/3 để phản đối chính quyền Hà Nội vi phạm quyền của người dân vùng Tây Nguyên ở Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ đã biết thông tin về việc chính quyền Việt Nam tuyên bố hai nhóm chính trị ủng hộ người Thượng có hoạt động ở Hoa Kỳ là các tổ chức khủng bố và tiếp tục nêu quan ngại cũng như lên án các cuộc tấn công ở Đắk Lắk xảy ra hồi năm ngoái.

Bộ Công an Việt Nam hôm 6/3 định danh Nhóm Hỗ trợ người Thượng (Montagnard Support Group, Inc – MSGI) và Người Thượng vì Công lý (Montagnard Stand for Justice – MSFJ) là “các tổ chức khủng bố”, nối dài thêm danh sách vốn gồm cả Đảng Việt Tân có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Tuyên bố của Bộ Công an được truyền thông do nhà nước Việt Nam kiểm soát nói rằng hai nhóm này, được thành lập riêng rẽ, hiện đang hoạt động tại Mỹ và đã gây ra vụ tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Ktur và Ea Tiêu ở tỉnh Tây Nguyên vào giữa năm ngoái.

“Chúng tôi đã thấy các ghi nhận trên phương tiện truyền thông về việc chính quyền Việt Nam liệt hai nhóm có sự hiện diện ở Hoa Kỳ vào danh sách các tổ chức khủng bố vì bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công vào tháng 6 năm 2023 tại tỉnh Đắk Lắk,” một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với VOA qua email hôm 7/3 khi trả lời yêu cầu bình luận về tuyên bố của Bộ Công an Việt Nam.

Người phát ngôn của BNG Mỹ hồi tháng 1 không khẳng định có sự liên quan của công dân Mỹ trong vụ bạo động ở Đắk Lắk khi trả lời yêu cầu bình luận của VOA. Trong danh sách 100 người bị xét xử tại phiên tòa về vụ tấn công ở Đắk Lắk, mà chính quyền Việt Nam coi là hành động khủng bố, Bộ Công an nói rằng có hai người là công dân Mỹ.

Phần lớn người Thượng theo đạo Tin lành và sống ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Theo Tổ chức Đoàn Kết Công giáo Toàn cầu (CSW), cộng đồng người Thượng có lịch sử xung đột lâu dài với Chính phủ Việt Nam và đã phải đối mặt với sự quấy rối và đe dọa dữ dội kể từ vụ tấn công ở Đắk Lắk.

CSW, có trụ sở ở London của Anh, hôm 7/3 đã lên tiếng phản đối việc Việt Nam liệt hai nhóm nhân quyền của người Thượng là các tổ chức khủng bố.

Lãnh đạo của cả MSGI và MSFJ đều báo bỏ cáo buộc của chính quyền Việt Nam rằng hai nhóm này đã giúp lên kế hoạch cho vụ tấn công ngày 11/6/2023 ở Đắk Lắk, theo CSW.

Một đại diện của MSFJ hôm 6/3 nói với VOA rằng các thành viên của nhóm này “không liên quan gì đến vụ xả súng” ở Đắk Lắk, vốn khiến 9 người thiệt mạng, gồm 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã. Đại diện này cũng phủ nhận bất kỳ liên quan gì tới nhóm MSGI và cho biết họ đấu tranh cho nhân quyền, quyền tự do tôn giáo và đất đai cho người dân bản địa Tây Nguyên của Việt Nam một cách ôn hòa cũng như không ủng hộ bạo lực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, trong email gửi VOA, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ “tiếp tục quan ngại sâu sắc và thẳng thắn lên án những cuộc tấn công” ở Đắk Lắk.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hồi tháng 7 năm ngoái nói rằng Mỹ phản đối vụ tấn công bạo lực tại tỉnh Tây Nguyên và sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam để điều tra vụ việc. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hồi tháng 1 năm nay nói rằng các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi với phía Mỹ về vụ tấn công.

“Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác thực thi pháp luật song phương về vấn đề này,” người phát ngôn BNG Mỹ nói với VOA.

Một người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, trong email phản hồi yêu cầu bình luận hôm 10/3, lặp lại những gì mà Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời VOA.

(Bản tin được cập nhật với phần trả lời của ĐSQ Mỹ tại Việt Nam)

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG