Đường dẫn truy cập

Trung Quốc, Philippines đụng độ ở Biển Đông


Phó đô đốc Alexander Pama trình bày các hình ảnh tàu giám sát Trung Quốc ngăn chặn một chiếc tàu của hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp, ngày 11/4/2012
Phó đô đốc Alexander Pama trình bày các hình ảnh tàu giám sát Trung Quốc ngăn chặn một chiếc tàu của hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp, ngày 11/4/2012

Vụ đụng độ căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và Philippines ngày 10/4 tới nay vẫn chưa thấy có tín hiệu được xoa dịu. Mỗi bên đều tố cáo đối phương vi phạm chủ quyền tại Biển Đông.

Vụ việc bắt đầu hôm qua, ngày 10/4 khi 2 tàu hải giám của Bắc Kinh ngăn cản không cho một tàu chiến của Manila bắt giữ một nhóm ngư dân Trung Quốc gần bãi đá ngầm có tranh chấp cách đảo Luzon của Philippines chừng 230 cây số.

Sự cố này đã khiến Ngoại trưởng Philippines, Albert Del Rosario, triệu tập đại sứ Mã Khắc Khanh của Trung Quốc tại Philippines hôm nay (11/4) và cả đôi bên đều tuyên bố nắm chủ quyền tại bãi đá ngầm nơi tàu của hai nước đụng độ.

Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Rosario loan báo hai bên đang tìm cách giải quyết vấn đề theo đường lối ngoại giao, nhưng ông cũng cảnh cáo rằng Philippines chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ an ninh lãnh thổ nếu bị khiêu khích.

Trong khi đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ra thông cáo tố cáo hải quân Philippines sách nhiễu ngư dân Trung Quốc và nhúng tay vào các hoạt động bất hợp pháp. Bắc Kinh kêu gọi Manila chấm dứt điều mà Bắc Kinh gọi là các hoạt động bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu tàu của Philippines phải rời khỏi khu vực.

Cả Bắc Kinh và Manila đều tuyên bố chủ quyền tại khu vực bãi đá ngầm mà Philippines gọi là Panatag, tức đảo Hoàng Nham theo cách gọi của Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, tàu hải quân của Manila đã để ý thấy các tàu đánh cá của Trung Quốc từ hôm chủ nhật, 8/4. Manila cho biết ngày 10/4, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tới ngăn cản không tàu chiến của Philippines tiến hành bắt giữ các ngư dân Trung Quốc mà Manila cho là đánh bắt bất hợp pháp trong lãnh hải của họ.

Ngược lại, tòa đại sứ Trung Quốc nói các tàu cá của họ chỉ tạm dừng gần đảo này vì thời tiết xấu và tuyên bố rằng hai tàu hải giám mà Bắc Kinh phái tới có hành vi nhằm bảo vệ quyền và quyền lợi hàng hải quốc gia của Trung Quốc.

Phát ngôn nhân Lưu Vị Dân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Hành động mà Philippines gọi là thực thi luật pháp trong vùng biển ngoài đảo Hoàng Yến là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc cũng như vi phạm sự đồng thuận của hai nước về việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.”

Căng thẳng trong khu vực trong mấy năm gần đây đang gia tăng khi Trung Quốc ngày càng xác lập mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn bộ khu vực 3,5 triệu km vuông ở Biển Đông giàu tài nguyên mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền một phần.

Ông Ralp Cosa, nhà phân tích an ninh thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng có phần chắc tranh chấp Biển Đông sẽ không sớm được cải thiện trong tương lai gần, dù ông không nghĩ sẽ có bất kỳ sự leo thang quân sự lớn nào tại đây.

Ông Cosa nói: “Không bên nào muốn có xung đột hay căng thẳng. Nhưng cũng chẳng bên nào chịu nhượng bộ. Một phần của vấn đề là mỗi nước đều muốn củng cố tuyên bố chủ quyền của mình.”

Đây là vụ đối đầu nguy hiểm nhất giữa Trung Quốc và Philippines trong những năm gần đây.

Vụ việc xảy ra sau những tranh cãi ngoại giao qua lại liên quan đến kế hoạch tập trận chung giữa Philippines với Việt Nam trên Biển Đông mà Manila loan báo trong tháng rồi.



Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG