Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Ông Bạc Hy Lai vẫn còn ảnh hưởng nhất định ở Trùng Khánh


Ông Bạc Hy Lai tham dự phiên khai mạc của 1 hội nghị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 3/3/2012
Ông Bạc Hy Lai tham dự phiên khai mạc của 1 hội nghị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 3/3/2012

Ông Bạc Hy Lai vẫn còn là một khuôn mặt được mến chuộng tại Trùng Khánh, thành phố ông đã làm bí thư hơn 4 năm. Nhưng không phải ai ai trong thành phố cũng buồn khi thấy ông ra đi.

Trùng Khánh phát triển khủng khiếp trong mấy chục năm qua, biến thành một trong những đô thị lớn nhất Trung Quốc, dân số hiện nay là 30 triệu.

Ông Bạc Hy Lai để lại dấu ấn trong thành phố và một số việc làm của ông gây chú ý khắp Trung Quốc. Nhiều cư dân ở đây, như cô Phan, một thông dịch viên, cho biết:

“Ban đầu tôi bị sốc khi biết ông mất chức, rồi tôi cảm thấy buồn. Cá nhân tôi vẫn còn mến ông, dù ông làm gì chăng nữa. Tôi nghĩ ông là một lãnh đạo giỏi.”

Cô Phan không thuộc phe thiểu số. Nhà buôn họ Trần nghĩ rằng 99% dân Trùng Khánh thích ông Bạc. Ông Trần nghĩ rằng ông Bạc là nạn nhân của một vụ đấu đá chính trị, nhưng ông không chịu đi sâu vào chi tiết.

Anh tài xế taxi không chịu nêu tên nói trung ương đã đánh đi một thông điệp hiệu quả đến những người ủng hộ ông Bạc bằng cách dẹp một cuộc biểu tình nhỏ ủng hộ ông Bạc:

“Bây giờ thì chẳng ai còn dám biểu tình nữa. Không ai đủ dũng cảm để làm chuyện đó.”

Hai dấu ấn quan trọng của ông Bạc Hy Lai đều nhuốm màu sắc.

Một là hát nhạc đỏ, ông động viên mọi người hát những bài ca thời kỳ cộng sản cũ.

Nhưng blogger Alan Dương nói chiến dịch hát nhạc đỏ có tính cưỡng chế:

“Ví dụ nếu cơ quan của bạn không tham gia chương trình nhạc đỏ, sẽ bị xem là một hành vi chính trị. Có nghĩa là thành tích chính trị của bạn chưa tốt. Nếu một trường học có quá ít người hát nhạc đỏ, học sinh hay sinh viên của trường có thể gặp ảnh hưởng tiêu cực khi muốn vào Đảng. Quả là chuyện quá khích.”

Hai là đánh xã hội đen. Trong thời gian ông Bạc làm bí thư, công an Trùng Khánh bắt khoảng 5.000 người thuộc các băng đảng hình sự.

Học giả độc lập Vương Cương gọi ông Bạc là người “dũng cảm và quyết đoán” nhưng cách làm của ông có thể kéo Trung Quốc quay lại thời kỳ xáo trộn của Mao Trạch Đông:

“Nếu Bạc Hy Lai được vào Ban thường vụ Bộ chính trị thì tôi nghĩ sẽ có cuộc Cách mạng Văn hóa lần thứ hai tại Trung Quốc. Khó tránh khỏi không khí kinh hoàng.”

Phóng viên VOA cũng kiến nghị chính quyền Trùng Khánh cho phỏng vấn. Một phát ngôn viên thành phố mời phóng viên đến uống trà nhưng không muốn nói chuyện có ghi âm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG