Đường dẫn truy cập

Châu Phi tìm thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu kéo dài


Một người đàn ông tại cuộc họp chung thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, 10/10/2012
Một người đàn ông tại cuộc họp chung thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, 10/10/2012
Nói chung, châu Phi chịu đựng cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu tốt hơn các phần đất khác trên thế giới. Trong khi các bộ trưởng tài chánh thuộc châu lục này bày tỏ những quan ngại về những bất ổn vẫn còn ở trước mắt, nhưng các bộ trưởng ghi nhận rằng suy thoái tại Bắc Mỹ và châu Âu tạo nên những cơ hội đầu tư và vay mượn đối với các quốc gia châu Phi. Thông tín viên Đài VOA Steve Herman từ Tokyo có thêm chi tiết về cuộc họp chung thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Nhiều nước châu Phi đang kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới, và hy vọng tiến vào hàng ngũ các quốc gia có mức lợi tức trung bình, đưa hàng triệu người ra khỏi cảnh nghèo khó.

Trong số những quốc gia như thế có Rwanda, được hưởng lợi từ những lưu tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong việc mua trái phiếu của các quốc gia châu Phi có mức tăng trưởng tích cực.

Nhiều khoản tiền sẽ được dùng cho những dự án hạ tầng cơ sở rất cần thiết.

Bộ trưởng Tài chánh Rwanda John Rwangombwa, xua tan những mối quan ngại là các quốc gia châu Phi dễ dãi tiếp cận tín dụng sẽ lại rơi vào bẫy nợ.

“Lợi tức thu được từ những dự án hạ tầng cơ sở này rất cao, ở mức, là ngoài khả năng tồn tại về tài chánh, những dự án này cũng có ảnh hưởng kinh tế đến toàn bộ nền kinh tế. Do đó chúng tôi không thấy có khả năng nào trở lại bẫy nợ. Những con số nợ của chúng tôi ngày nay rất thấp. Hiện nay chúng tôi nói đến các quốc gia phương Tây với 200% Tổng Sản phẩm Nội địa GDP về phương diện các khoản nợ. Ví dụ tại Rwanda con số của chúng ta là 22%. Do đó những cơ hội vẫn còn rất lớn.”

Namibia với những mỏ kim cương và uranium có lợi cũng như những quan tâm của bên ngoài mới đây về việc thăm dò dầu mỏ ngoài khơi, vẫn còn có tăng trưởng. Tuy nhiên kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu cách đây 4 năm, Namibia đã cạn hết thặng dư tài chánh.

Bộ trưởng Tài chánh Namibia Saara Kuugongelwa-Amadhila lo ngại một cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro kéo dài sẽ làm trì hoãn thêm những đầu tư trực tiếp rất cần thiết của nước ngoài.

“Điều này sẽ có một ảnh hưởng tiêu cực lên lượng đầu tư. Tuy nhiên chúng tôi tiếp tục với những nỗ lực của chúng tôi để tăng tiến sự thu hút của Namibia. Chúng tôi tiếp tục cải cách thị trường vốn của chúng tôi và xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư vào việc cung ứng các kỹ năng và làm cho môi trường có lợi đối với những người muốn đầu tư vào kinh tế.”

Bộ trưởng Tài chánh Guinea, Kerfalla Yansane, đồng ý là tình hình kinh tế quốc tế không giúp thu hút đủ đầu tư để thoả mãn kỳ vọng của người dân. Tuy nhiên ông ghi nhận là Guinea nằm trong số các quốc gia đang phát triển được hưởng nhiều uyển chuyển hơn khi tìm những đối tác cho những dự án hạ tầng cơ sở và vay tiền.

Ông Yansane nói hiện nay có sự đa dạng và không còn cần thiết phải dựa độc nhất vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Những định chế này hiện gặp phải sự cạnh tranh của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác.

Ba bộ trưởng tài chánh châu Phi không phải là những người độc nhất bày tỏ sự cần thiết đối với các quốc gia châu Phi đẩy mạnh việc trao đổi thương mại với nhau.

Một rào cản chính đối với mậu dịch xuyên lục địa là việc thiếu các mạng lưới giao thông có khả năng chuyển vận một số lượng lớn hàng hóa từ nước này sang nước khác, một cách tin cậy và nhanh chóng. Các nhà lãnh đạo châu Phi đồng ý là một hệ thống hạ tầng cơ sở được cải thiện và hội nhập sẽ giúp khu vực trở nên mau phục hồi hơn ngay cả đối với những thay đổi bất thường gây thiệt hại của kinh tế toàn cầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG