Đường dẫn truy cập

Châu Âu không yên lòng sau chuyến thăm của Trump


Tổng thống Trump và các lãnh đạo G7 tại thị trấn Taormina, Siciliy, Italy, 27/5/2017
Tổng thống Trump và các lãnh đạo G7 tại thị trấn Taormina, Siciliy, Italy, 27/5/2017

Tối 27/5, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố rằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị tổng thống Mỹ đã thành công. Tuyên bố này được viết trên Twitter vào lúc nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bay về Washington “sau 9 ngày rất hiệu quả”.

Phản ứng của châu Âu - đặc biệt là ở hai thủ đô lớn là Berlin và Paris - về chuyến thăm của ông Trump lại rất khác so với mô tả của Tòa Bạch Ốc; và người ta không dùng từ “thành công”.

Các quan chức châu Âu nói các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương hiện tại không đoàn kết hơn so với thời điểm trước khi ông Trump đến, và họ tin rằng châu Âu sẽ phải hành động độc lập hơn nữa - điều mà họ đã tiên liệu sau khi ông Trump được bầu.

Đối với họ, Washington không còn là đồng minh có thể trông cậy được nữa. Và đó cũng là quan điểm của phần lớn báo chí châu Âu. Các tít báo trong tuần đã cung cấp thông tin đối lập lại lời mô tả của Tòa Bạch Ốc về các cuộc họp G7.

Người châu Âu đã hy vọng chuyến thăm của ông Trump có thể cài đặt lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị xáo trộn do việc ông được bầu làm tổng thống. Họ hy vọng rằng tổng thống Mỹ sẽ được thuyết phục và nhìn thế giới thông qua con mắt của họ nhiều hơn. Nhưng từ Brussels đến Sicily, có những nụ cười gượng gạo, những sự lúng túng, và những rạn nứt không cần che giấu về một loạt vấn đề - từ thương mại, di dân cho đến các lệnh trừng phạt đối với Nga, và biếnđổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo và các quan chức châu Âu phàn nàn với giới truyền thông rằng ông Trump và các cố vấn của ông không biết gì về các dữ kiện cơ bản, đặc biệt là thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Các quan chức Đức nói với Süddeutsche Zeitung rằng ông Trump và các phụ tá của ông đều có ấn tượng là Mỹ có các thoả thuận thương mại riêng biệt với từng quốc gia EU.

Tờ Le Monde của Pháp đã cáo buộc ông không đưa ra một tuyên bố rõ ràng khẳng định lại Điều 5 của Hiệp ước NATO, theo đó đảm bảo hỗ trợ nhau trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang. Tờ báo cũng chỉ trích việc rao giảng với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc chia sẻ gánh nặng tài chính.

Giới truyền thông châu Âu hôm 27/5 tập trung sự chú ý vào độ ngắn gọn của tuyên bố chung khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh G7 dài 2 ngày ở Sicily. Tuyên bố chỉ dài hơn 5 trang, so với 32 trang hồi năm ngoái. Nhiều cây viết xã luận cho rằng điều này thể hiện sự thiếu đồng thuận giữa Hoa Kỳ và các thành viên G7 khác.

Việc ông Trump từ chối tái khẳng định hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm mục đích kiềm chế phát thải khí nhà kính đã trở thành các tít báo lớn liên quan đến hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicily. Các nhà bình luận châu Âu lưu ý rằng nhìn chung các tư tưởng đã không tìm được nhiều điểm chung về vấn đề này.

Báo chí Italia ghi nhận sự thất vọng của Thủ tướng Paolo Gentiloni khi ông nỗ lực tìm cách đạt được sự ủng hộ của Mỹ cho một mối quan hệ hợp tác mới giữa các quốc gia G7 và châu Phi liên quan đến viện trợ và đầu tư nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua vùng Địa Trung Hải.

Các tờ báo châu Âu giờ đây gọi G7 là G6+1.

Các báo dẫn lời Thủ tướng Đức Merkel phát biểu khi hội nghị thượng đỉnh gồm lãnh đạo các quốc gia tiên tiến nhất thế giới về kinh tế sắp bế mạc.

Bà nói: "Cuộc thảo luận về vấn đề khí hậu thật khó khăn, nếu không nói là không đạt yêu cầu. Ở đây, chúng tôi có tình huống là sáu nước chống lại một, có nghĩa là vẫn không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ vẫn còn tham gia hiệp định Paris hay không".

Jon Henley, phóng viên chuyên mảng các vấn đề châu Âu của tờ Guardian, đã đánh giá về chuyến đi của ông Trump: "May sao, chuyến đi có lẽ đã trôi qua không có thảm hoạ nào, nhưng chuyến đi xuyên Đại Tây Dương đầu tiên của ông Donald Trump với tư cách tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn khiến cho các nhà lãnh đạo châu Âu run rẩy”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG