Đường dẫn truy cập

Cảnh báo thuế quan của TT Biden báo hiệu cuộc chiến chống Trung Quốc gay gắt trong bầu cử Mỹ


Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt bên lề hội nghị G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. Ông Biden dọa áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt bên lề hội nghị G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. Ông Biden dọa áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc

Việc chính quyền Biden đe dọa áp thêm thuế quan đối với Trung Quốc là tín hiệu mới nhất trong năm bầu cử cho thấy mối quan hệ băng giá hơn với Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn bất kể ai thắng cử tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới bang chiến trường Pennsylvania hôm 17/4 để kêu gọi tăng thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, và các quan chức chính quyền hàng đầu đã báo hiệu rằng đây có thể không phải là loạt đạn cuối cùng của ông nhắm vào Trung Quốc trong mùa bầu cử này.

Cùng ngày 17/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ra tín hiệu rằng thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc có thể là cần thiết để bảo vệ người lao động Mỹ khỏi tình trạng sản xuất dư thừa của Bắc Kinh.

Tuần này, chính quyền Biden cũng mở một cuộc điều tra về những gì họ cho là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị các ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu. Nhiều chuyên gia hiện cho rằng kết quả của cuộc điều tra đó và quá trình xem xét kéo dài nhiều năm liên tục về các chính sách thương mại thời Trump sẽ dẫn đến việc có thêm nhiều mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Lưu Bằng Vũ, cho biết thuế quan của Mỹ thể hiện chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.

“Nhiều đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc, rất không hài lòng với việc Mỹ thường xuyên sử dụng an ninh quốc gia, hành vi phi thị trường, sản xuất dư thừa và các lý do khác để áp đặt các hạn chế và chính trị hóa các vấn đề thương mại”, ông Lưu nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 17/4 để đáp trả đề xuất về mức thuế thép.

Quyết định tăng thuế trong tuần này của chính quyền Biden cho thấy môi trường thương mại diều hâu đang hướng tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 khi ông Biden và đối thủ Đảng Cộng hòa của ông, Donald Trump, coi lập trường cứng rắn với Trung Quốc là một phần trên con đường dẫn đến chiến thắng, đặc biệt là các bang chiến trường thuộc vành đai ‘rỉ sắt’ của vùng công nghiệp ‘hết thời’ như Michigan và Pennsylvania.

Ông Trump đã đề xuất mức thuế nhập khẩu tổng thể 10% nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Ông cũng đề xuất loại bỏ dần việc nhập khẩu hàng hóa như điện tử, thép và dược phẩm của Trung Quốc trong 4 năm và muốn cấm các công ty Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ.

Nhóm thăm dò của Gullup cho biết cuộc thăm dò của họ, được công bố vào tháng 3, cho thấy 41% người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ, khiến nước này trở thành đối thủ được coi là hàng đầu của Mỹ trong năm thứ tư liên tiếp.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ bị cuốn vào một chu kỳ hỗn loạn. Và tôi thực sự nghĩ rằng, ngay bây giờ, chúng ta mới chỉ nhìn thấy sự khởi đầu của điều đó,” Allen Carlson, giáo sư Đại học Cornell và là một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung, nói

Các quan chức Nhà Trắng bác bỏ ý kiến cho rằng điều này mang tính chính trị, dù rằng ông Biden đưa ra đề xuất về thuế thép trong một bài phát biểu chống Trump đầy cảm xúc tại trụ sở nghiệp đoàn công nhân ngành thép Hoa Kỳ United Steelworkers ở Pennsylvania.

Thay vào đó, các quan chức chính quyền cho biết họ lo ngại làn sóng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho hàng tỷ đô la ưu đãi thuế do ông Biden đảm bảo để neo giữ các ngành công nghiệp như năng lượng mặt trời, gió và xe điện ở Hoa Kỳ.

Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng nền kinh tế tăng trưởng chậm của Trung Quốc đang buộc các nhà sản xuất phải tăng cường xuất khẩu để bù đắp cho sự tăng trưởng yếu kém về nhu cầu nội địa, khiến thặng dư thương mại sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục.

Các tấm pin mặt trời hai mặt, có thể hấp thụ ánh sáng cả hai mặt, là một ví dụ về mối quan tâm của chính quyền Biden. Reuters đưa tin hôm 17/4 rằng chính quyền đã miễn thuế cho Trung Quốc cho đến năm 2026 để giúp thúc đẩy năng lượng mặt trời ở Mỹ, nhưng giờ đây các quan chức dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm và áp đặt thuế sau khi các tấm pin giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ.

Nhà sản xuất tế bào quang điện Hanwha Qcells của Hàn Quốc đã yêu cầu chính quyền Biden dỡ bỏ lệnh cấm để bảo vệ kế hoach mở rộng 2,5 tỷ USD đã cam kết nhằm tăng cường việc sản xuất năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm rẻ hơn do châu Á sản xuất.

Các trợ lý của ông Biden cho biết các chính sách của chính quyền họ khác với chính sách của chính quyền Trump ở các khía cạnh chính, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu hẹp vào các ngành và sản phẩm cụ thể – điều này có thể làm giảm khả năng bị Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài khác trả đũa mạnh mẽ.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, đề xuất về thép và nhôm sẽ chỉ nhắm mục tiêu 1 tỷ USD hàng hóa so với hàng trăm tỷ USD liên quan đến mức thuế rộng hơn của ông Trump.

Chính sách mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trên cả nước.

“Mọi người ngày nay đều chống Trung Quốc và điều đó được phản ánh trong dư luận,” Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington về thương mại song phương, Trung Quốc vào này 19/4 đã áp thuế nhập khẩu lên một loại axit từ Mỹ được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu và lĩnh vực y tế.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng từ ngày 20/4, nhập khẩu axit propionic từ Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 43,5%, sau khi cuộc điều tra vào tháng 7 cho thấy ngành công nghiệp axit propionic nội địa của Trung Quốc “bị thiệt hại nghiêm trọng”.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng bất chấp các chuyến thăm ngoại giao gần đây.

Ngoài việc đe dọa sẽ tăng thuế đối với thép nhập khẩu của Trung Quốc, Mỹ còn đang gây áp lực buộc Mexico cấm Trung Quốc bán sản phẩm kim loại của mình cho Mỹ một cách gián tiếp từ quốc gia Mỹ Latin.

Bộ thương mại Trung Quốc hôm 18/4 cho biết họ kiên quyết phản đối việc Mỹ tăng thuế và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG