Đường dẫn truy cập

Vụ xử những người Thái: Một đòn chính trị của Kampuchea


Cảnh sát Kampuchea áp giải ông Veera Somkwamkid cựu lãnh đạo phe Áo Vàng Thái Lan ra tòa ở Phnom Penh
Cảnh sát Kampuchea áp giải ông Veera Somkwamkid cựu lãnh đạo phe Áo Vàng Thái Lan ra tòa ở Phnom Penh

Một chuyên viên về Kampuchea nói rằng Kampuchea đang làm ồn ào về chuyện 7 người Thái bị cáo buộc xâm nhập Kampuchea bất hợp pháp là để nhân dân bớt chú ý đến chuyện tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam.

Hai trong số 7 người Thái Lan bị bắt đang bị buộc tội gián điệp. Ông Veera Somkwamkid và Ratree Pipatanapaiboon, thư ký riêng của ông, bị tố cáo là thu thập thông tin có thể đe dọa an ninh Kampuchea, cáo buộc này có thể khiến họ chịu mức án 10 năm tù.

Hai người này bị bắt tháng trước khi đi vào một khu vực quân sự của Kampuchea. Họ đi cùng với 5 người Thái khác, nhiều người trong số này thuộc nhóm “Áo Vàng”, là nhóm đang đòi chính phủ Thái phải tỏ lập trường cứng rắn hơn với Kampuchea trong cuộc tranh chấp biên giới hai nước.

Thủ Tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã kêu gọi Phnom Penh trả tự do cho những người này, thế nhưng Thủ Tướng Kampuchea Hun Sen tuyên bố số phận của họ phải để cho các tòa án quyết định.

Ông Lao Mong Hay, một phân tích gia chính trị người Kampuchea hiện sinh sống tại Anh, nói rằng hệ thống tư pháp Kampuchea không được độc lập, và khả năng những người Thái được xét xử công bằng rất mỏng manh:

“Kampuchea vẫn có một ngành tư pháp kiểu cộng sản, đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ, thông qua đảng cầm quyền; hầu hết các thẩm phán đều là thành viên của đảng cầm quyền. Đảng có một thứ kỷ luật khắt khe, cho nên bất kỳ sự chệch hướng khỏi đường lối của đảng đều bị kỷ luật.”

Ông Lao Mong Hay còn nói có vẻ như chính phủ Kampuchea muốn sử dụng việc bắt giữ những người Thái như một đòn chính trị nhằm đánh lạc hướng người dân. Ông giải thích:

“Trong thâm tâm, họ chỉ muốn làm tăng mức căng thẳng về câu chuyện 7 người Thái Lan để dư luận bớt chú ý đến vấn đề biên giới ở miền Đông.”

Miền Đông của Kampuchea là Việt Nam, một đề tài cũng nhạy cảm không kém đối với những người Kampuchea có tinh thần dân tộc, đang lo ngại Hà Nội muốn bành trướng lãnh thổ bằng cách lén lút di chuyển những cột mốc biên giới.

Đề tài này không được chính quyền Phnom Penh chính thức lên tiếng mạnh mẽ, khiến nhiều người cho rằng Việt Nam vẫn còn giữ một ảnh hưởng chính trị rất lớn lên Kampuchea.

Trái lại, vụ đưa 7 người Thái Lan ra tòa đang được giới truyền thông Kampuchea nói đi nói lại.

Trong tuần này, các nhà đàm phán của Thái Lan và Kampuchea gặp nhau tại Phnom Penh, đôi bên hứa hẹn xúc tiến quy trình phân định biên giới bất chấp những căng thẳng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG