Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên cấm truyền thông nước ngoài đến Đại hội Đảng


Các ký giả quốc tế tường thuật bên ngoài Cung Văn Hóa ngày 25/4/2016 về Đại hội Đảng Công nhân ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên.
Các ký giả quốc tế tường thuật bên ngoài Cung Văn Hóa ngày 25/4/2016 về Đại hội Đảng Công nhân ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên.

Sau khi mời hàng trăm ký giả quốc tế tường thuật đại hội đảng cầm quyền đầu tiên từ 36 năm nay, Bắc Triều Tiên lại cấm giới truyền thông vào địa điểm họp thực sự.

Đại hội Đảng Công nhân là cuộc họp chính trị lớn nhất ở Bắc Triều Tiên từ nhiều thế hệ và theo dự kiến sẽ củng cố thềm quyền hành của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un và hợp thức hóa chính sách gọi là "Byongjin" của ông này nhằm thúc đẩy đồng thời cả phát triển kinh tế lẫn khả năng hạt nhân.

Đại hội đảng lần cuối được tổ chức vào năm 1980, trước khi ông Kim Jong Un ra đời và được dàn dựng để hợp pháp hóa cha của ông là Kim Jong Il là người thừa kế lãnh tụ lập quốc miền Bắc Kim Il Sung, ông nội của đương kim lãnh tụ.

Ông Kim dự kiến sẽ phát biểu trước phiên khai mạc đại hội đảng dự trù kéo dài 4 ngày, nhưng giới truyền thông không được tham dự phần này của đại hội và phần này cũng sẽ không được phát trên đài truyền hình nhà nước.

Truyền hình trực tiếp gần đó

Trưởng văn phòng ở Tokyo của báo Washington Post, bà Anna Fifield thực ra đã truyền hình trực tiếp trên Internet bên ngoài Cung Văn Hóa ngày 25 tháng 4 khi sự kiện diễn ra, nhưng không được phép vào bên trong.

Phóng viên báo The Washington Post đã sử dụng một ứng dụng điện thoại di động gọi là Periscope để gửi video trực tiếp, cho thấy nhiều nhóm phóng viên và những người được chính phủ Bắc Triều Tiên chỉ định đi hộ tống họ chờ đợi từ phía bên kia đường nơi diễn ra sự kiện. Những người xem qua Periscope đã gửi câu hỏi hỏi bà làm cách nào để truy cập internet trong một nước được cho là hạn chế gay gắt thông tin từ thế giới bên ngoài.

Bà Fifield giải thích rằng bà đã có thể sắp xếp một mang lưới tư nhân ảo gọi là VPN vượt qua những hạn chế đối với dịch vụ điện thoại di động của bà ở Bắc Triều Tiên.

Giới truyền thông quốc tế sau đó đã được đưa trở lại trung tâm báo chí trong khách sạn của họ và được phép xem truyền hình trực tiếp đại hội trên mạng truyền hình nội bộ.

Truyền thông quốc tế

Bắc Triều Tiên đã mời khoảng 100 ký giả nước ngoài tường thuật đại hội, mặc dù việc đi lại của họ đã được quản lý sát và phần lớn đất nước cũng như dân chúng không được tiếp xúc với người ngoài.

Tin tức trên truyền hình về Đại hội Đảng Công nhân của Bắc Triều Tiên.
Tin tức trên truyền hình về Đại hội Đảng Công nhân của Bắc Triều Tiên.

VOA là cơ quan phát thanh tin tức vào Bắc Triều Tiên qua sóng trung bình và sóng ngắn, đã không được mời tham gia việc tường thuật quốc tế này.

Trước khi đại hội diễn ra, các ký giả được mời đã được đưa theo tour tham quan các trường học và nông trại phô trương một xã hội mãn nguyện và thịnh vượng.

Tuy nhiên, nghèo khó và suy dinh dưỡng ở miền Bắc vẫn được cho là hiện tượng phổ biến, mặc dầu tin cho hay các cải cách nông nghiệp và sự xuất hiện của một số thị trường tư nhân đã cải thiện điều kiện cho nhiều người.

Trong một phúc trình hồi tháng 2, tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) nói rằng dân chúng Bắc Triều Tiên đang chịu đựng tình trạng thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng.

Thông tín viên của hãng Reuters James Pearson, chuyên tường thuật về Bắc Triều Tiên, nêu ra rằng các điều kiện ở thủ đô dường như có tốt hơn. Ông nói có "thêm những xe taxi và xe hơi tư nhân trên đường phố, thêm hàng hóa trong các cửa hiệu, và thêm các tòa nhà đang được xây dựng cho thấy mức tiêu thụ và phồn vinh đang gia tăng trong số cư dân ở Bình Nhưỡng".

Thông tín viên Steve Evans của đài BBC ở Seoul nói quan hệ giữa các ký giả và những người “hướng dẫn” họ đã có nhiều lúc căng thẳng và họ thường bị hạn chế về những gì họ có thể nhìn thấy và những ai họ có thể nói chuyện với.

Nhà hoạt động nhân quyền Phil Robertson của tổ chức Human Rights Watch cũng chỉ trích màn biểu diễn chính trị được dàn dựng ở Bình Nhưỡng là không giải quyết những hành động tàn ác có hệ thống và tràn lan trong nước được Liên Hiệp Quốc ghi nhận, bao gồm một mạng lưới tù nhân chính trị, việc sát hại, bắt làm nô lệ, tra tấn và cưỡng hiếp.

Ông Robertson nói: “Kim Jong Un nói rất nhiều về việc cải thiện đời sống của người Bắc Triều Tiên, nhưng chúng ta chỉ biết được là ông ấy nghiêm túc nếu như ông có biện pháp chấm dứt những vụ vi phạm nhân quyền”.

Có tin đồn rằng Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị một vụ thử nghiệm hạt nhân khác trùng hợp với đại hội để thách thức các biện pháp chế tài gay gắt mà quốc tế áp đặt với Bình Nhưỡng sau vụ thử nghiệm lần chót vào tháng Giêng.

Kể từ khi ông Kim lên nắm quyền sau cái chết của thân phụ vào tháng 12 năm 2011, Bắc Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử nghiệm hạt nhân và 2 vụ phóng hỏa tiễn vào không gian được nhiều người coi là các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG