Đường dẫn truy cập

Một vài suy nghĩ về "Chàng và Nàng" 


Một vài suy nghĩ về "Chàng và Nàng" 
Một vài suy nghĩ về "Chàng và Nàng" 

<!-- IMAGE -->

"Chàng" và “Nàng" có lẽ là những từ có tuổi thọ khá cao.

Trước 1975, tôi không chú ý lắm những từ này. Bởi tôi nghĩ việc sử dụng “chàng” và “nàng” là một điều đương nhiên, có gì mà thắc mắc. Trong ca dao, tục ngữ, trong Kiều, trong Chinh Phụ ngâm, và cả trong một số bài thơ và ca khúc Việt Nam vẫn đầy dẫy những từ này: Nàng rằng: Phận gái chữ tòng, Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi. [Kiều]. Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha (K), Chàng về thiếp cũng xin về. Chàng về Hồ-bắc thiếp về Hồ-nam. Chàng về thiếp một theo mây. Con thơ để lại một bầy ai nuôi (Ca dao). Bà chết thì thiệt thân bà. Ông tôi sắp sửa lấy ba nàng hầu [Ca dao]… Hoặc "Chàng đi bên cạnh nàng dưới bóng những vòm cây..." "Xưa nàng nhút nhát biết bao nhiêu, nay nàng giản dị bấy nhiêu, nàng bước từng bước chân tin tưởng vào đời, nàng sánh bước cùng Thạch trên các lối mòn đồi thông..."

Sau tháng Tư, 1975, chàng đi tù cải tạo, nàng ở nhà bán chợ trời, thăm chồng nuôi con. Chàng vượt biên, nàng ở lại nhà trông ngóng từng ngày những thùng quà, những tờ đô la. Nhiều gia đình tan nát. Nhiều mối tình đổ vỡ. Chia ly và tan tác. Nhiều nỗi đau. Chàng/nàng đánh mất tính lãng mạn trong cuộc sống khi mà mỗi ngày con người khám phá ra cái bản năng sinh tồn làm thoái hoá tình yêu, và ngôn ngữ không ngừng lại ở một thời đại khi mà con người đôi khi thấy mình gần loài thú hơn là loài người. Mỗi thời đại đẻ ra một số từ mới, và chôn vùi một số từ cũ trước đó. Trong Nam đã bắt đầu chêm vào từ mới và cả từ cũ nhưng nghĩa đã mới. Ngoài Bắc chắc cũng không khác gì. Trong khi đưa những từ mới vào Nam, họ cũng nhận lại những từ trong Nam tác động ngược lại.

Chàng/nàng có còn không?

Tại sao vẫn Chàng và Nàng? Tôi đọc lại các bài đã viết, và tôi thấy chàng và nàng hình như có vấn đề trong những trang chữ của mình.

Tôi nhớ trong một bài viết trên tờ Kiến Thức Ngày Nay phát hành tại Sài gòn năm 1995(1), dưới tựa đề "Nhà văn Khái Hưng và câu chuyện đại từ trong tiếng Việt", ông Vương Trí Nhàn, nhà phê bình văn học trong nước, đã kể lại một câu chuyện: Vào giữa năm 1939, trên một tờ báo ở Hà Nội, nhà báo Thiết Can có cho đăng một bài phỏng vấn thuật lại câu trả lời của Khái Hưng khi tác giả Nửa Chừng Xuân được hỏi về Thế Lữ:

"Ông Thế Lữ không có ở đây, nhưng sáng mai, ông có thể đến gặp hắn được."

Trên tờ Ngày Nay, số ra ngày 24.6.1939, Khái Hưng thanh minh: "Tôi nhớ rõ hôm ấy, tôi không dùng chữ hắn. Và từ xưa tới nay tôi không dùng chữ ấy bao giờ với bất cứ ai. Vậy xin cải chính lời ông Thiết Can."

Ông Vương Trí Nhàn cho rằng sự cẩn thận của Khái Hưng trong trường hợp này không thừa. Vì đại từ trong tiếng Việt bao giờ cũng bao hàm một thái độ. Và muốn làm hỏng mối quan hệ giữa người này và người kia, chỉ cần tới một đại từ là đủ. Lý do để Khái Hưng cải chính là thế.

Vẫn theo bài viết của ông Vương thì có lẽ đấy là một trong những cái cớ để đến cuối năm ấy, trên Ngày Nay các số 187, 188, Khái Hưng cho in một bài mang tên "Chàng và nàng". Hai đại từ này đang được dùng phổ biến trong văn chương đương thời, mặc dù có cái lạ là trong đời sống hàng ngày, mọi người không mấy khi dùng.

Ông Vương Trí Nhàn viết: Trong một lần trò chuyện với Khái Hưng, Tản Đà đã nói thẳng rằng chàng với nàng làm cho các tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Trống Mái v.v. có giọng hơi quê [tôi bôi đen].” Tuy nhiên, trái với Tản Đà, "Ông [Khái Hưng] bảo không nên hạn chế chữ chàng và nàng trong văn viết mà nên dùng cả trong khi trò chuyện."

“Đại từ trong tiếng Việt bao giờ cũng bao hàm một thái độ.” Khái Hưng nói đúng, nhưng có điều đề nghị của ông “không nên hạn chế chữ chàng và nàng trong văn viết mà nên dùng cả trong khi trò chuyện” tôi nghĩ nên xem lại. Theo tôi, nhận xét của Tản Đà về hai chữ chàng và nàng cách đây đã 70 năm nhưng vẫn còn giá trị.

Câu hỏi của tôi trong bài viết về chàng và nàng xuất hiện trên tạp chí Văn Học, California, vào tháng Năm, 1995 thì ngày 26 tháng Sáu, 1995, tôi có được câu trả lời. Ký mục gia Bùi Bảo Trúc từ Hoa Thịnh Đốn viết một bài trên mục Thư Gửi Bạn Ta(2) về chuyện chàng và nàng. Theo Bùi Bảo Trúc thì anh “đang gặp phải một vài khó khăn khi dịch cuốn The Bridges of Madison County của Robert James Waller sang Việt ngữ. .... anh “không biết dùng đại danh tự nào cho ổn khi đụng phải Robert Kincaid và Francesca Johnson, hai nhân vật chính của cuốn sách. Trong cuốn The Bridges of Madison County, khi Robert Kincaid gặp Francesca lần đầu tiên, thì ‘ông ta’ 52 tuổi. Francesca đã 45 tuổi. Mối tình bắt đầu ở hai tuổi đó…

Trong nguyên bản Anh ngữ, hai người luôn luôn là ngôi thứ ba số ít ‘he’ và ‘she’. Nhưng ‘he’ và ‘she’ là rất nhiều thứ trong tiếng Việt. Lúc tác giả cho hai người gặp nhau và yêu nhau, thì ‘chàng’ và ‘nàng’ là những đại danh tự thích hợp nhất. Cứ ‘ông ấy’ với ‘bà ấy’ thì chán quá.” Bùi Bảo Trúc viết: “Bạn tôi, tác giả ‘Kẻ Tà Đạo’, ‘Người Đi Trên Mây’ là người rất ghét hai đại danh tự ‘chàng’ và ‘nàng’, nên chàng (bạn tôi) đã cố gắng tránh cho bằng được để khỏi dùng hai đại danh tự này. Nhưng chàng (bạn tôi) sẽ giải quyết ra sao thì tôi không hiểu. Trong đoạn tả hai nhân vật này yêu nhau hồi năm 1965, lúc cả hai còn 52 và 45 tuổi thì Robert Kincaid là ‘chàng’, và Francesca Johnson là ‘nàng’ thì rất phải. Nhưng sau đó, khi cả hai vượt quá tuổi 60, thì tôi thấy mình khựng lại. Làm sao để không thấy một điều gì bất ổn như trong câu ‘nàng qua đời năm 69 tuổi… Nếu còn sống, chàng đã 76 tuổi…’

‘Nàng’ 69 tuổi. ‘Chàng’ 76 tuổi. Nhưng làm thế nào được? Không thể viết ‘Francesca khi qua đời, cụ đã 69 tuổi và cụ Robert, nếu còn sống, đã 76 tuổi…’ Cho hai ‘cụ’ vào khúc này thì câu chuyện tình hết hẳn nét sướt mướt. Làm sao ướt 10 cái khăn tay như báo chí Mỹ vẫn nói được? Vậy thì tôi chỉ có thể mong là độc giả sẽ dễ dãi với người dịch, với cặp tình nhân… cao niên này và chấp nhận họ là ‘nàng’, là ‘chàng’ để cho mối tình có thể tiếp tục được. Thì cũng như nhà thơ họ Vũ đã có lần khẳng định: ‘Yêu nhau, ai tính tuổi bao giờ…’ mà. Họ là tình nhân. Chúng ta phải để cho họ trẻ một chút. Nên tôi sẽ vẫn gọi họ là ‘nàng’ và ‘chàng’, và thách tác giả ‘Người Đi Trên Mây’, ‘Bụi Và Rác’ đưa ra những lựa chọn khác hợp lý hơn.”

Tác giả Thư Gửi Bạn Ta có lý chứ.

Trong Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse, dịch giả Phùng Khánh, Phùng Thăng [nxb Phật Học Viện Quốc Tế, Phật Lịch 2526, ấn bản 1982], cũng đã sử dụng từ chàng cho nhân vật Tất Đạt, người con trai Bà La Môn.... “Chàng nói chuyện với nàng, học ở nàng, chỉ bảo nàng và nhận những lời chỉ bảo. Nàng hiểu chàng hơn Thiện Hữu ngày xưa hiểu chàng, nàng giống chàng hơn là Thiện Hữu đã giống chàng.” [tr. 72].

Đương nhiên đây không phải là chuyện của tác giả, mà là chuyện của dịch giả, thế nhưng, liệu chúng ta có thể tìm một đại từ nào khác thay chàng và nàng được không? Và nếu phải thay, thì sẽ chọn từ nào cho hợp lý? Tôi gửi câu hỏi này đến Trùng Dương, Trần Mộng Tú, Trần Doãn Nho và gọi điện thoại cho Nguyễn Mộng Giác. Và tôi nhận được nhanh chóng những phản hồi sau đây của các bạn tôi:

Nhà văn Trùng Dương cho biết lâu lắm cô không còn sử dụng hai từ chàng và nàng. “Cũng có thể đã lâu tôi không viết fiction, mà nếu có viết fiction có lẽ cũng không dùng hai từ này. Nàng thì may ra, nhưng chàng thì không.”

Với nhà văn Trần Mộng Tú: “Tôi hay dùng ‘cô’ và ‘anh’, nghe nó trẻ và không ‘cải lương’. ... Nếu, tôi nhớ không nhầm, thì hình như tôi không hề có một bài nào dùng ‘chàng’ và ‘nàng’.”

Nhà văn Trần Doãn Nho, tác giả Dặm Trường cho biết: “Tôi KHÔNG HỀ dùng chữ ‘chàng’. Chữ nàng thì tràn lan. Trong truyện dài Dặm Trường, hai nhân vật nữ chính đều dùng nàng. Riêng những nhân vật nam chính, tôi dùng chữ ‘anh’. Và những truyện ngắn khác, tôi cũng dùng chữ ‘anh’ để thế chữ ‘chàng’. Có thể tôi cũng có dùng chữ ‘chàng’ ở một nơi nào đó, nhưng không nhớ rõ.” Theo Trần Doãn Nho, ngoài "anh” và "nàng" để chỉ những nhân vật nam và nữ (thường là nhân vật chính), anh còn sử dụng: ông, bà, chị ấy, hắn (rất ít dùng) hay dùng tên của nhân vật. Để chỉ những nhân vật nam nhỏ tuổi (học sinh), ông dùng tên riêng của nhân vật, nhân vật nữ nhỏ tuổi ông dùng "cô". “Tôi dùng ‘nàng’ trong hầu hết các nhân vật của mình để chỉ những phụ nữ, tuổi khoảng từ 20 đến 40 hay hơn một chút. Tôi dùng một cách vô thức, theo một thói quen nào đó, do đọc hay do một quan niệm mà tôi không rõ nguồn gốc.”

Vẫn theo Trần Doãn Nho thì ông không dùng chữ ‘chàng’, vì chữ chàng nghe có vẻ ‘sến’, có vẻ bà Tùng Long quá. Về chữ "nàng", ông cho rằng từ để chỉ phụ nữ là vừa phải, cũng có vẻ trân trọng hay yêu mến. "Nàng" cũng có vẻ nữ tính, mà không sến. “Nếu muốn trung dung, tôi dùng ‘chị’, hay ‘chị ấy’”.

Trần Doãn Nho kết: “Vấn đề này cần phải có thì giờ suy nghĩ cặn kẽ hơn.”

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho biết trong truyện dài Sông Côn Mùa Lũ, ông chỉ dùng “anh và chị” chứ không “chàng và nàng”, thế nhưng trong Mùa Biển Động – tác phẩm viết sau này khi đã đến Mỹ, - tác giả lại dùng “chàng và nàng”, vì theo ông việc sử dụng các đại từ “anh, chị” hay “chàng, nàng” tuỳ thuộc vào bối cảnh và không khí của truyện. “Chàng và nàng” mang theo nó màu sắc và không khí lãng mạn chứ không khô cứng. “Tuy nhiên,” tác giả Mùa Biển Động kết luận, “phải công nhận là ‘chàng và nàng’ giờ đã lỗi thời thật.”

Thú thực là tuy chưa trả lời được câu hỏi của ký mục gia Bùi Bảo Trúc, nhưng tôi vẫn nghĩ nhất định sẽ không còn nữa những chàng và nàng trong trang sách của mình. Vấn đề là tôi có còn viết được thêm một cuốn nào nữa hay không?

(1) Tôi xin lỗi vì trong bài viết năm 1995 tôi đã quên không ghi lại ngày ra của số báo Kiến Thức Ngày Nay. Bạn nào đã đọc và lưu giữ xin bổ túc giúp. Đa tạ.

(2) Bài của ký mục gia Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta, đăng trên nhật báo Người Việt 26/6/1995 trong thời gian tôi còn làm Tổng thư ký tờ báo này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG