Đường dẫn truy cập

Bà Clinton: Mỹ vẫn giữ quyết định cử Ðặc sứ đến Bắc Triều Tiên


Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói vụ đụng độ giữa lực lượng hải quân Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên sẽ không tác động đến kế hoạch của Hoa Kỳ gửi một đặc sứ sang Bắc Triều Tiên để tìm cách hồi sinh các cuộc thương thuyết về chương trình hạt nhân của miền Bắc. Bà Clinton thảo luận về đường lối ngoại giao với Bắc Triều Tiên tại các buổi họp với các vị Ngoại Trưởng thuộc Khối APEC, tức Diễn Đàn Hợp Tác Khu Vực Á Châu-Thái Bình Dương. Từ Singapore, Thông tín viên David Gollust gửi về bài tường trình chi tiết sau đây:

Vụ đụng độ liên quan tới đường ranh lãnh hải đang tranh chấp giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên đã gây thiệt hại cho các tàu tuần tiễu của cả hai bên, đồng thời làm cho căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên Ngoại Trưởng Mỹ nói vụ xung đột sẽ không cản trở nỗ lực của chính quyền Tổng Thống Obama nhằm nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Loan báo của Hoa Kỳ hôm thứ Ba, rằng đặc sứ Stephen Bosworth sẽ đi thăm Bình Nhưỡng trước cuối năm nay, được đưa ra hầu như cùng lúc với những bản tin về vụ xung đột trên biển giữa hai miền Nam-Bắc, đây là vụ đụng độ đầu tiên loại này, tính từ nhiều năm qua.

Vụ này đã khởi động các cuộc tham vấn khẩn cấp giữa phái đoàn của Ngoại Trưởng Clinton đang ở nước ngoài với các giới chức ở Washington, và là đề tài được bàn đến trong nhiều buổi họp của Ngoại Trưởng Clinton kéo dài cả ngày tại Diễn Đàn Hợp Tác Khu Vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Trong số các cuộc gặp gỡ này, có một buổi họp tay đôi với Bộ Trưởng Ngoại Giao Nhật Bản Katsuya Okada vào chiều tối thứ Tư.

Lên tiếng kêu gọi các bên hãy tự chế, bà Clinton nói bà cảm thấy khích lệ về phản ứng bình tĩnh trước vụ xung đột trên biển. Bà nói kế hoạch cho sứ mạng của đặc sứ Bosworth, vốn được trông đợi bấy lâu, sẽ được xúc tiến.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Vụ việc này không ảnh hưởng mảy may nào đến quyết định của chúng tôi gửi đặc sứ Bosworth sang Bắc Triều Tiên. Chúng tôi tin rằng đây là một bước quan trọng, và nên được đặt vào chỗ đứng riêng của nó. Bước này có liên hệ tới các nỗ lực của chúng tôi, cùng với các đối tác trong cuộc đàm phán 6 bên, hướng tới việc nối lại tiến trình đàm phán này. Chúng tôi tin rằng đó là điều quan trọng thiết yếu. Vì thế chúng tôi kêu gọi tất cả nên bình tĩnh và thận trọng.”

Ngoại Trưởng Clinton nói sứ mạng của ông Bosworth tại Bình Nhưỡng không phải là một cuộc thương thuyết, mà là một nỗ lực nhằm lót đường cho Bắc Triều Tiên trở lại với tiến trình đàm phán 6 bên.

Bắc Triều Tiên đã đồng ý trên nguyên tắc hồi năm 2005, sẽ dẹp bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ và các quyền lợi ngoại giao với các nước tham gia đàm phán, gồm có Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và nước chủ trì cuộc đàm phán là Trung Quốc.

Tuy nhiên, các cuộc thương thuyết đã tan vỡ hồi năm ngoái, sau khi Bình Nhưỡng không chấp nhận một kế hoạch kiểm chứng những lời khai báo mà họ đưa ra về những vũ khí đang có trong tay và về các hoạt động hạt nhân của họ.

Bà Clinton nói các vị tương nhiệm trong khối APEC ủng hộ quyết định của Hoa Kỳ gửi đặc sứ Bosworth sang Bình Nhưỡng, và trong thời gian có mặt tại Bắc Triều Tiên, ông sẽ kêu gọi giới lãnh đạo tại đây hãy tôn trọng các điều kiện ghi trong thỏa thuận năm 2005, và thực thi mục tiêu hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG