Đường dẫn truy cập

Bé 14 tháng tuổi hay bị ói


Bé gái 14 tháng tuổi hay bị ói, và đã đi khám bác sĩ ba lần. Theo mẹ của em, bác sĩ cho thuốc chống ói, được vài hôm thì bị lại. Ói kéo dài ở tuổi này có nhiều nguyên do khác nhau: một số thường gặp là trào ngược dạ dày-thực quản (gastroesophageal reflux), tuy nhiên em bé ở đây thì bắt đầu ói lúc 7 tháng tuổi, và đến tháng vẫn còn hay ói.

Thường các trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản bắt đầu ói sớm hơn, cao điểm lúc 3 tháng, đến 7-8 tháng đa số đã ăn được thức ăn dặc hơn (bột, cereal,..) và đến 12-14 tháng thì bịnh tình giảm đi nhiều vì em đã biết đi, và do đó thức ăn khó trào ngược lên thực quản hơn trước.

Nếu sau khi bú, bồng em bé ở thế nâng đầu lên cao một thời gian khá lâu, lúc em nằm kê đầu giường nằm của em lên chừng 45 độ, cho bột cereal vào sữa của em cho sữa đặc hơn, có thể làm cho em giảm ói. Nếu bé lâu lâu chỉ ói một lần, vẫn lên cân đều đếu, phát triển tốt và xem có vẻ tươi tắn thì chắc không cần phải lo.

Nếu bé không lên cân, hoặc bỏ ăn, hoặc hay rướn người lên thì đấy có thể là dấu hiệu của bịnh trào dịch dạ dày thực quản (GERD= Gastro Esophasogeal Reflux Disease),cần đi khám bịnh. Trong GERD, các chất chua do tiêu hoá thức ăn từ dạ dày đi ngược lên thực quản, làm loét niêm mạc thực quản và gây những triệu chứng kể trên.

Định bịnh căn cứ trên bịnh sử (history),nếu cần chắc chắn hơi, đôi khi bác sĩ cho em bé uống chất cản quang barium rồi chụp hình quang tuyến, sẽ thấy chất barium sau khi xuống tận bao tử lại chạy ngược trở lên vào thực quản. Có lúc sẽ thấy được một phần trên của bao tử bị tuột lên trên hoành cách mô (diaphragm, là bắp thịt ngăn giữa xoang bụng và xoang ngực), làm thức ăn từ bao tử dễ đi ngược lên phía trên.

GERD có thể chữa bằng thuốc giảm acid trong bao tử (acid suppression medication) như ranitidine (Zantac) hoặc omeprazole (Prilosec) hoặc prevacid để che chở phần dưới của thực quản bớt bị acid tấn công.

Một số trường hợp bác sĩ dùng thuốc giúp cho thức ăn ra khỏi bao tử đi vào ruột nhanh hơn, hầu giảm thiểu lượng thức ăn trào ngược lên trên: thuốc metoclorpramide (Reglan) hoặc thuốc trụ sinh erythromycin. Nên chú ý những thuốc này cần bác sĩ dung với chỉ định chính xác, bịnh nhân không nên tự tiện cho em bé uống, vì em thân thể cân nặng rất ít, rất dễ bị ngộ độc.

Về chuyện em bé có một u lồi lên lúc em khóc hoặc rặn, có thể đây là một trường hợp thoát vị bẹn (“thòng ruột” ở háng, inguinal hernia). Phía trong vách bụng phía bẹn có một chỗ bị yếu, nên lúc em bé khóc hoặc rặn, áp suất trong bụng tăng lên và đẩy các phần trong bụng (mỡ, một khúc ruột, một phần của bộ phận sinh dục nữ) lòi ra ngoài vách bụng. Nên đem bé đến bác sĩ chuyên về giải phẫu, nhất là giải phẫu tiểu nhi để định bịnh, và mổ nếu cần để trách trường hợp thoát vị bị kẹt (incarcerated hernia).

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG