Đường dẫn truy cập

Trung Quốc bênh vực cho thành tích nhân quyền


Trung Quốc đã ra sức bênh vực cho thành tích nhân quyền đang được Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc xét duyệt ở Geneve. Những lời biện hộ này được trình bày giữa lúc nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang thực hiện một chuyến công du Âu Châu được nhiều người chú tâm theo dõi. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết sau đây.

Sau ngày đầu tiên của cuộc duyệt xét kéo dài 3 ngày ở Geneve về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, giới hữu trách ở Bắc Kinh tuyên bố rằng dân chúng nước họ được hưởng nhiều quyền tự do, kể cả tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.

Hôm nay, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du cho báo chí ở Bắc Kinh biết rằng chính phủ Trung Quốc có quyết tâm thực hiện điều mà bà gọi là 'bảo vệ và cải thiện' nhân quyền. Nhưng bà cũng tỏ ý cho thấy là Bắc kinh chú trọng tới việc nâng cao mức sống của người dân.

Bà Khương Du cho rằng Trung Quốc giờ đây đang có được sự phát triển kinh tế bền vững, một khung sườn pháp luật đã được cải thiện, một xã hội cởi mở hơn, và một nền văn hóa đa dạng hơn.

Bà Khương Du thừa nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Và bà cho biết Trung Quốc sẵn sàng tiến hành với các nước khác những cuộc đối thoại về nhân quyền mà bà gọi là có tính chất 'thẳng thắn' và 'toàn diện' trong tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Trong khi đó, người phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra những lời lẽ gay gắt để chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, vừa được phát bằng công dân danh dự của thành phố Rome.

Nhiều quốc gia Tây phương xem Tây Tạng là một vấn đề nhân quyền nổi bật của Trung Quốc. Nhưng bà Khương Du nói rằng phần đất trong vùng Hy Mã Lạp Sơn này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và bất cứ sự thừa nhận nào mà quốc tế dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đều là một sự xúc phạm tới chủ quyền của Trung Quốc.

Thay vì dùng danh xưng Đức Đạt Lai Lạt Ma như những người ở các nước khác trên thế giới vẫn thường dùng để bày tỏ lòng tôn kính đối với vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình này, bà Khương Du nói rằng 'Đạt Lai' không phải là vấn đề nhân quyền hay vấn đề tôn giáo, mà là vấn đề có liên quan tới chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Về phần mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhiều lần công khai tuyên bố rằng ông chỉ muốn đòi cho Tây Tạng được tự trị rộng rãi hơn chứ không hề đòi độc lập. Ông tố cáo Trung Quốc mưu toan hủy diệt văn hóa Tây Tạng, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy ở Lhasa cách nay gần một năm.

Từ cuối tháng 3, dân tộc Tây Tạng đã phải trải qua một tình huống không khác gì lãnh án tử hình. Nói như vậy có nghĩa là những quan chức Trung Quốc có đầu óc hẹp hòi cứ cho rằng tinh thần Tây Tạng, ý thức Tây Tạng là một mối nguy hiểm của những kẻ muốn chia cắt đất nước. Vì vậy, họ đã cố tình tìm cách hủy diệt tinh thần Tây Tạng và ý thức về bản sắc của người Tây Tạng.

Năm 1959, mười năm sau khi phe Cộng Sản lên nắm quyền ở Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn sang Ấn Ðộ sau một cuộc khởi nghĩa bất thành. Năm nay, Trung Quốc đánh dấu 50 năm ngày xảy ra biến cố này với một ngày lễ toàn quốc vào cuối tháng 3 để ăn mừng điều mà họ gọi là 'ngày giải phóng cho hàng triệu nông nô ở Tây Tạng'.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG