Đường dẫn truy cập

Thị trường hàng hóa hạng sang ở Hong Kong vẫn mạnh


Trong tình hình kinh tế trì trệ trên toàn cầu, ảnh hưởng đến số bán các mặt hàng tiêu thụ, giới sản xuất xa xỉ phẩm đang bắt đầu cảm nhận tác động, và một cuộc khảo cứu cho thấy công nghiệp này sẽ co cụm vào năm tới. Nhưng tại Hong Kong, giới bán lẻ các hàng hoá loại sang đang trông đợi đám người giàu có ở Châu Á tiếp tục tiêu xài. Thông tín viên Kari Jensen ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trong mùa lễ lạc năm nay thực khó mà đi nhanh đuợc qua các thương xá loại sang trọng ở Hong Kong. Mọi người tay xách nách mang, chen chúc chật các hành lang.

Tại một buổi liên hoan tiếp thị vừa rồi của một cửa hàng nhỏ loại sang, Carol Cheng và bạn bè ngắm nghía các món hàng đắt tiền của các nhà thiết kế Hong Kong.

Cũng như nhiều khách hàng ở đây, bà Cheng mặc quần áo mang nhãn hiệu đắt tiền. Vào thời điểm này, bà mặc đồ mang các nhãn sang trọng của Nhật và Mỹ.

Bà Cheng nói bà nghĩ rằng dân chúng ở Hong Kong sẽ tiếp tục mua hàng loại sang, ngay cả trong thời gian có khủng hoảng tài chính.

Bà Cheng nói: “Đúng thế. Tại sao lại không? Nếu bạn đến vì nhãn hiệu này thì tại sao lại không? Bạn biết nhãn hiệu này, và muốn nhãn hiệu này. Bạn có được bất cứ món hàng nào mà bạn muốn. ”

Các khu thương xá chính của Hong Kong tràn ngập những cửa hàng bán lẻ đồ xa xỉ. Thành phố này không đánh thuế những mặt hàng xa xỉ như nữ trang, quần áo và đồ bằng da. Vì thế mà từ nhiều thập niên, Hong Kong đã thu hút du khách từ khắp nơi ở châu Á tìm mua hàng với giá hời.

Trong mùa lễ này, một số cửa hàng bán lẻ xa xỉ phẩm ở đây nói rằng họ vừa đạt được mục tiêu về số bán. Và triển vọng thị trường thế giới thì u ám. Một cuộc khảo cứu mới đây của công ty tiếp thị Bain and Company cho biết số bán xa xỉ phẩm có phần chắc sẽ co cụm vào năm tới.

Tại Châu Á, nhiều cửa hàng bán lẻ xa xỉ phẩm hy vọng giới tiêu thụ giàu nổi ở Trung quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục mua hàng, và giúp bù lại số bán sụt giảm ở các thị trường như Hoa Kỳ và châu Aâu.

Công ty tham vấn kinh doanh quốc tế KPMG cho rằng có cơ may phát triển trong thị trường xa xỉ phẩm ở Trung quốc.

Ông Nick Debnam chuyên khảo cứu về các thị trường tiêu thụ ở Trung quốc cho công ty KPMG. Ông nói rằng trong vài năm vừa qua, đã có thêm các công ty bán lẻ xa xỉ phẩm vào Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là dân chúng Trung Quốc đang quen thuộc hơn với việc mua hàng hóa loại sang.

Ông Debnam nói: “Bởi vì có các nhà kinh doanh cả nam lẫn nữ làm ăn rất thành công ở khắp Trung Quốc và những người này, một khi có tiền để tiêu thì hàng hóa sang trọng là một cách để khoe khoang mức độ thành công của mình.”

Ông Thibaut Mathieu là người đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung quốc về các loại rượu ngon. Là giám đốc tiếp thị của công ty ASC Fine Wines của Hong Kong và Macau, ông đã tổ chức một buổi cho nếm rượu mới đây tại Hong Kong.

Ông Mathieu nói rằng ông trông đợi mọi người tiếp tục mua rượu và thức ăn ngon, ngay cả trong lúc kinh tế xuống dốc. Ông nói họ đã làm như thế vào năm 2003, sau khi xảy ra vụ bột phát bệnh SARS ở thành phố này.

Ông Mathieu nói: “Khách hàng không đi ăn ở ngoài nữa mà họ ăn uống đãi đằng ở nhà nhiều hơn. Vì thế ta phải dự kiến sẽ xảy ra tình trạng này. Rõ ràng là điều đó đã xảy ra ở Trung quốc.”

Mới đây, Trung quốc đã loan báo các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế Hong Kong, kể cả việc cho phép thêm người ở Hoa lục được đi thăm Hong Kong. Nhiều người Trung quốc đến đây chỉ để mua bán.

Ông John Tsang là bộ trưởng tài chính của Hong Kong. Ông nói rằng người giàu sẽ tiếp tục mua hàng loại sang.

Ông Tsang nói: “Có một bộ phận khá lớn trong dân chúng có thu nhập khá và rất nhiều người trong số này, đã dành dụm được khá, vì thế chắc hẳng họ vẫn có khả năng tiếp tục tiêu tiền trong thời kỳ kinh tế xấu.”

Tuy nhiên, có nhiều mối quan ngại rằng ngay cả nêu như giới tiêu thụ giầu có và trung lưu ở châu Á tiếp tục giữ ý thích hàng hoá loại sang, thì cũng không có đủ số nguời để bù lại với sự sụt giảm về số bán ở Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ.

Số bán của thị trường xa xỉ phẩm của Nhật Bản - chiếm 12 % khối lượng toàn cầu – đã sụt 7% trong năm nay.

Nền kinh tế của Trung Quốc cũng đang đi xuống, sau nhiều năm tăng trưởng kỷ lục. Thị trường chứng khoán, sự tin tưởng của giới tiêu thụ, và các thị trường tín dụng đều trì trệ. Các cơ sở kinh doanh đang sa thải nhân viên.

Sự kiện đó có thể khiến giới tiêu thụ Trung quốc tiết kiệm nhiều hơn nữa. Nước này không có một chương trình an sinh xã hội thục sự, và các gia đình phải tự túc tiền học và chăm sóc y tế, cộng với việc để dành khi về hưu. Như thế có nghĩa là công nhân Trung quốc, sợ mất việc, có phần chắc sẽ tiết kiệm nhiều hơn bất kể các nỗ lực của chính phủ khuyến khích việc tiêu tiền.

Bà Carol Cheng và bạn bè đã nhận những giỏ quà trong buổi liên hoan của cửa hàng vào mùa lễ này. Nhưng đêm đó, đa số đã không mua món hàng nào cả. Họ nói rằng họ đến đó để ăn uống khỏi trả tiền và giải trí, chứ không phải để mua hàng.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG