Đường dẫn truy cập

Việt Nam tìm cách đối phó với các vụ đình công


Trong một hội nghị do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội nhằm tìm cách đối phó với các vụ đình công ngày càng xảy ra nhiều hơn. Các đại biểu nói rằng nguyên do chủ yếu là quyền lợi người lao động bị xâm phạm như trả lương trễ, tình trạng làm việc tệ hại, bị giới quản lý đối xử thô bạo. Thế nhưng hầu hết nguyên nhân thật sự của các cuộc đình công là yêu cầu tăng lương. Lê Dân của ban Việt Ngữ đài VOA trình bày một số thông tin và nhận xét của người liên quan như sau.

Hồi đầu tháng này, nhật báo tài chính The Wall Street Journal đăng bài báo nhan đề 'Lạm phát làm bùng phát đình công tại Việt Nam', cho biết khoảng 1,000 công nhân lắp ráp của hãng Panasonic đình công, yêu cầu được tăng thêm lương, nêu rõ là để theo kịp mức lạm phát.

Bài báo cho biết đây là vụ đình công tiếp theo loạt đình công cũng với lý do tương tự trong vài tháng qua, do sự bực bội của người lao động. Họ là hàng chục ngàn người từ nông thôn lên các thành thị như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội tìm việc làm, để rồi thấy là sức mua của họ giảm sút nhanh chóng so với đồng lương đem về.

Theo số liệu thống kê của nhà nước thì chỉ trong quý đầu năm nay đã có khoảng 300 vụ đình công xảy ra, bất chấp quy định mới là công nhân phải bồi thường cho chủ nhân nếu họ lãng công.

Một trong những vụ đình công lớn nhất là của vài ngàn lao động làm việc cho một xí nghiệp Đài Loan sản xuất gia công giày thể thao cho hãng Nike. Sau một tuần lễ, họ đã chịu trở lại làm việc với kết quả 10% lương bổng được tăng.

Thật ra, tình trạng vật giá leo thang, cộng với nạn lạm phát, không chỉ là mối lo của giới công nhân, mà phía chủ nhân cũng lo không kém. Hễ tăng lương cho lao động, thì giá thành của sản phẩm sẽ cao, không cạnh tranh nổi trên thị trường thế giới, nhất là vào khi các nước khác tuy cũng phải đối phó với nạn vật giá tăng, nhưng lạm phát của họ không nghiêm trọng như tại Việt Nam.

Một số doanh nghiệp nước ngoài đã tiên liệu và có biện pháp phòng ngừa trước, chẳng hạn như xí nghiệp may mặc Elegant Fashion, vốn Đài Loan đầu tư tại Bắc Ninh.

Bà Bạch Tuyết, nhân viên quản trị tại đây cho biết: "Ông Tổng giám đốc của chúng tôi bảo công nhân chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đình công cả. Lý do là hiện tại chúng tôi đã trả cao hơn những cơ quan khác, những công ty khác."

Nhiều doanh nghiệp không chọn cách tăng lương theo yêu cầu của công nhân, mà tăng thêm những phúc lợi khác. Phần lớn là ở Sàigòn. Từ giữa tháng Năm, tổng công ty may Việt Tiến loan báo từ đầu tháng Sáu sẽ cung cấp bữa cơm chiều cho công nhân chỉ với giá 5 ngàn rưỡi một phần, ngoài bữa cơm trưa do công ty đài thọ.

Thế nhưng không phải người lao động ở đâu cũng được may mắn. Có những doanh nghiệp lợi dụng tình trạng 'người đông, việc ít' để đối phó với công nhân.

Khi trên 800 lao động của xí nghiệp phụ tùng xe máy lớn thứ nhì ở Việt Nam là Yamaha Motor đình công ở vùng ngoại ô Hà Nội. Lương bình quân của họ vào khoảng 1 triệu 50 ngàn đồng một tháng, tương đương 63 đôla. Họ yêu cầu công ty cho tăng lương 20% để theo kịp đà lạm phát.

Thế nhưng sau 4 ngày đình công, hầu hết đã trở lại làm việc. Phó phòng nhân viên của Yamaha Vietnam cho báo Thanh Niên biết có thể là các công nhân đình công sợ mất việc làm. Lý do là quy định của công ty Yamaha thì sau 5 ngày đình công, nếu công nhân không trở lại làm thì hợp đồng của họ đương nhiên chấm dứt.

Một trong những người Việt Nam làm việc và tham gia công đoàn tại Ba Lan và vận động thành lập công đoàn độc lập cho lao động Việt Nam trong nước, ông Trần Ngọc Thành đưa ra nhận xét.

Ông Thành nói: "Tôi nghĩ rằng đình công hiện nay là công nhân đã dùng đến vũ khí cuối cùng để tự vệ. Hiện nay đồng tiền mất giá, lạm phát tăng rất cao, mà đời sống hay mức lương công nhân không thay đổi. Trong hoàn cảnh như thế, họ bị dồn vào đường cùng. Tôi theo dõi thường xuyên các phong trào công nhân Việt Nam cũng như là tình cảnh của họ. Họ phản ảnh là hiện nay phải đi làm cật lực, mà không có gì ăn cả, thậm chí rau muống đối với họ cũng là xa xỉ. Do đó tôi thấy rằng đình công là biện pháp cuối cùng của công nhân. Nếu như nhà nước hiện nay chú ý đến mức sống, tăng lương cho công nhân, làm sao cho công nhân đỡ cực khổ. Chứ còn như hiện nay, nhà nước cũng như giới chủ nhân không tăng lương, mà lại tăng ca….thì tôi thấy là công nhân không có giải pháp nào khác hơn là đình công."

Trong thực tế, tăng lương là giải pháp không thích hợp trong bối cảnh lạm phát cao, vì cứ hễ tăng lương là vật giá sẽ tăng cao hơn, đưa tới lạm phát thêm nữa.

Trong cuộc thăm dò mới đây do công ty tư vấn nhân sự Talent Net Vietnam và công ty Mercer Singapore thực hiện để xem các doanh nghiệp nước ngoài đối phó ra sao với tình hình lạm phát tại Việt Nam, thì có hơn phân nửa là chọn giải pháp tăng phụ cấp thức ăn cho công nhân trên 100 ngàn một tháng, kế đến là các trợ cấp thuốc men, xăng dầu, nhà trọ…

Về lương cho chuyên gia, chỉ có 31% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng lương bổ sung trong mức 6% trở lại mà thôi, nói chung là tất cả đều dưới mức 10%.

Trong bối cảnh hiện nay, tình cảnh của công nhân được nhắc tới không phải là vì bi đát nhất, mà nhờ họ có sức mạnh của tập thể. Còn đại đa số dân chúng, từ những người có đồng lương cố định như giáo chức, binh sĩ phục viên, hay những người làm ăn nhỏ lẻ, đều phải gay go đối phó với cuộc sống hàng ngày, mà không biết lên tiếng với ai.

Một số người có lòng, thường mạnh dạn lên tiếng đấu tranh ở trong nước, đã chuẩn bị bày tỏ nguyện vọng của số đông. Cô Phạm Thanh Nghiêm ở Hải Phòng cho biết đã nạp đơn xin phép tổ chức biểu tình bày tỏ nguyện vọng lên chính phủ.

Cô Nghiêm nói: "Mục đích là để bày tỏ cho những người dân, nhất là người dân lao động, là chính phủ hãy cải thiện kinh tế và ngăn chặn lạm phát để cải thiện cuộc sống của người dân lao động. Trong đơn có ghi rõ là công nhân đình công ở khắp mọi miền. Họ còn may mắn là có nơi làm việc của họ để đình công, bày tỏ nguyện vọng với giới chủ. Còn những người lao động chân tay không có cơ quan, thường gọi là lao động tự do, kể cả trẻ đánh giày, thợ cắt tóc, buôn bán nhỏ, phu hồ…không có nơi bày tỏ. Vì vậy mà cháu cùng một số người nộp đơn xin ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 16 tháng Bảy, mà cho đến bây giờ chưa thấy họ hồi âm gì."

Trả lời cho câu hỏi là do đâu mà có chuyện nộp đơn xin biểu tình, cô Phạm Thanh Ngân cho biết: "Theo luật định thì phải có đơn, và phải có sự phúc đáp từ phía nhà chức trách theo quy định của luật pháp. Quyền biểu tình đã được minh định là quyền con người, Hiến pháp Việt Nam cũng công nhận quyền này. Những cuộc biểu tình trước, như biểu tình bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, hay cuộc biểu tình ngày 29 tháng Tư phản đối ngọn đuốc Olympic Trung Quốc …tất cả đã bị công an đàn áp. Khi cháu bị mời lên thẩm vấn thì họ có nói rằng là ghi nhận lòng yêu nước, nhưng muốn biểu tình thì phải xin phép."

Trong tình thế hiện nay, cả hai phía đều tỏ ra lúng túng không biết thì phải xử sự thế nào. Công nhân tại những khu công nghiệp vẫn đình công có khi lên tới hàng chục ngàn người, như tại khu công nghiệp Thăng Long-Hà Nội. Từ công ty Panasonic, lan sang VICO, rồi Nissei, sang Asahi Intec.

Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp nói với báo Người Lao Động rằng thật sự bà cũng lúng túng, chưa biết giải quyết thế nào cho hơn 38,000 lao động ở 64 doanh nghiệp.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG