Đường dẫn truy cập

Nhận định của các chuyên gia kinh tế về tỉ lệ lạm phát tại Việt Nam


Theo tin tức trong những ngày gần đây có liên quan đến Việt Nam thì một số ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc đổi đồng đôla ra tiền đồng để thanh toán lương bổng cho nhân viên hoặc cho các dịch vụ khác. Sự kiện này đã khác hẳn với tình trạng trước đây là những người có tiền đã tìm cách mua đôla với giá cao hơn giá do nhà nước qui định. Sau đây là một số chi tiết liên quan đến sự kiện này và nhận định của các chuyên gia kinh tế về tỷ lệ lạm phát và vật giá gia tăng quá cao tại Việt Nam, qua các chi tiết do Trần Nam ghi nhận từ các báo ở Hoa Kỳ và trong nước.

Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vào những tháng cuối cùng của năm 2007 là 12, 63% và đã được xem như là quá cao, so với các nước đang phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, theo tin của hãng thông tấn AP hồi cuối tháng trước thì tỷ lệ lạm phát này đã lên đến 15.7% trong tháng 2 năm 2008, tức là tỉ lệ cao nhất trong hơn 10 năm qua, mặc dù Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất tại Đông Nam Á. Mức độ lạm phát này đã gây lo ngại cho giới hữu trách và khiến cho đời sống của người dân, nhất là thành phần nghèo khổ, lại càng thêm khó khăn.

Nhằm ngăn chận đà lạm phát phi mã, ngoài việc siết chặt các khoản tiền cho vay, nhất là trong lãnh vực đầu tư chứng khoán hay bất động sản, gia tăng dự trữ trong ngân hàng, và phát hành tín phiếu của ngân hàng nhà nước, chính phủ còn tìm cách giảm bớt số lượng tiền lưu hành trên thị trường. Biện pháp này cũng gây khó khăn không ít cho một số ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhà báo Grant McCool của hãng tin Reuters nói rằng sự khan hiếm đồng bạc Việt Nam trên thị trường đang gây xôn xao trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán non trẻ của nước này sau khi ngân hàng trung ương, tức ngân hàng nhà nước, ban hành các biện pháp giảm bớt số lượng tiền mặt để ngăn chận đà lạm phát đang gia tăng nhanh chóng.

Còn nhà báo Amy Kazmin của tờ Financial Times thì nhận định rằng sự thiếu thốn nghiêm trọng đồng bạc Việt Nam đã làm nhức đầu các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong khi chính phủ ra sức kềm chế lạm phát bằng cách không cung cấp thêm tiền mặt.

Theo nhà báo này thì hồi cuối tháng trước Hà Nội đã phải đặc biệt cho phép công ty Morgan Stanley trả 270 triệu đôla cho 10% cổ phần trong tổ hợp tài chính PetroVietnam, thay vì trả bằng tiền Việt như luật pháp đã qui định.

Trong một trường hợp khác, một nhân viên kế toán làm việc cho một công ty nước ngoài đã tìm cách đổi 30,000 đôla ra tiền Việt Nam để thanh toán lương bổng cho nhân viên và tiền thuê mướn văn phòng làm việc nhưng nhân viên này đã bị ngân hàng từ chối viện cớ là không đủ tiền mặt.

Điều đó cho thấy rằng một số các doanh nghiệp nước ngoài đã bị ảnh hưởng trong những tuần lễ gần đây khi Ngân Hàng Nhà Nước tìm cách giảm bớt việc thanh toán bằng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng này để kiểm soát đà lạm phát và kềm hãm trị giá đồng bạc Việt Nam so với đồng đôla Mỹ. Theo ông Jonathan Pincus, Trưởng Ban Kinh Tế của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc thì Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam hiểu rằng một phần nguyên nhân của nạn lạm phát là sự gia tăng nhanh chóng nguồn cung cấp tiền tệ ở trong nước, do đó phương cách để hạn chế nguồn cung cấp tiền tệ trong nước là ngăn chận việc mua đồng đôla.
Trong số các biện pháp ngăn chận đà lạm phát, các ngân hàng thương mại, không bao lâu nửa sẽ lại gặp thêm khó khăn khi ngân hàng nhà nước bắt buộc họ phải mua khoảng một tỉ 300 triệu đôla tín phiếu của ngân hàng nhà nước với lãi suất 7,8% một năm, tức là thấp hơn tỷ lệ lạm phát và rẻ hơn lãi suất mà các ngân hàng thương mại đi vay của dân chúng.

Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam thì giá cả đã tăng vọt trên nhiều mặt hàng như thực phẩm, gia cư và vật liệu xây cất. Giá thực phẩm đã tăng 25 phẩy 2% so với cùng thời kỳ này năm ngoái, và giá nhà cửa và vật liệu xây cất đã tăng đến 16 phẩy 4%.

Người dân trong nước thấy rằng mọi thứ đều trở nên đắc đỏ và đời sống của họ càng ngày càng khó khăn, nhất là những người có mức thu nhập thấp.

Theo các nhà kinh tế thì tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam, vốn được xem là cao nhất trong khu vực này, một phần cũng là do các yếu tố ở trong nước và trên toàn cầu, chẳng hạn như sự gia tăng giá thực phẩm và giá dầu trên thế giới.

Mặc dù lạm phát đã gia tăng trong những năm gần đây tại Việt Nam nhưng đầu tư của nước ngoài đã tăng mạnh kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trong năm ngoái.

Ngoài ra các nhà đầu tư cũng đã đổ tiền vào thị trường địa ốc đang nóng bỏng, và thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tăng mạnh trong năm ngoái, tuy nhiên thị trường này đã bị tuột dốc trong thời gian gần đây.

Theo lời ông Jonathan Pincus thì những khó khăn của Việt Nam đã trở nên càng ngày càng nhiều là vì trị giá đồng bạc Việt Nam đã được gắn liền với trị giá của đồng đôla Mỹ, hiện đang xuống thấp.

Trong khi đó Việt Nam đã phải nhập khẩu nhiều vật liệu xây cất từ Trung Quốc, nơi mà trị giá tiền tệ đang càng ngày càng tăng so với đồng đôla Mỹ, đo đó càng làm cho vật giá tại Việt Nam leo thang nhanh chóng.

Theo nhận định của công ty tài chính Bloomberg khi so sánh mức độ lạm phát của các nước trong khu vực thì sự gia tăng giá cả hàng hóa và năng lượng trên thế giới đã khiến cho tỉ lệ lạm phát gia tăng tại một số quốc, chẳng hạn như tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc lên đến 7 phẩy 1%, cao nhất trong 11 năm qua, và tại Indonesia, giá hàng tiêu thụ đã gia tăng 7 phẩy 4%, cao nhất trong vòng 16 tháng, tuy nhiên hai nước này đã cho phép tiền tệ của họ được nâng giá, tương phản với Việt Nam nơi có chính sách giữ cho trị giá đồng bạc ở mức thấp để giúp cho hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh nhiều hơn.

Trong một nỗ lực khác nhằm đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng, Hà Nội dự trù sẽ nới rộng biên độ trao đổi đồng bạc Việt Nam.

Theo Phó Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng thì Ngân Hàng Trung Ương sẽ nới rộng biên độ này từ 0,75% lên đến 2%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề nhập khẩu một số hàng thiết yếu từ nước ngoài cũng là yếu tố góp phần gây ra tình trạng lạm phát.

Kinh tế gia Matthew Hidebrandt thuộc Ngân Hàng JPMorgan Chase tại Singapore, nhận định rằng lạm phát là một vấn đề thông thường tại Việt Nam, tuy nhiên sự kiện này đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả thực phẩm nhất là thực phẩm nhập khẩu và giá xăng dầu, do đó phải tìm cách giảm bớt tác động của hàng nhập khẩu.

Cũng theo các nhà phân tích thì trong một đất nước có dân số đông đảo và gia tăng nhanh chóng như Việt Nam, số người nghèo sẽ gia tăng vì tình hình lạm phát. Chỉ có một số ít dân chúng có khả năng tài chính để đối phó với nạn lạm phát trong khi đa số dân nghèo có mức thu nhập từng ngày thì không thể nào theo kịp đà lạm phát.

Ngân Hàng Phát Triển Á Châu nhận định rằng tỷ lệ lạm phát cao hiện nay sẽ làm giảm sức mua của người nghèo và sẽ gây những tác động tiêu cực cho sự tăng trưởng kinh tế.

Trong một bài viết được đăng trên bán nguyệt san Tổ Quốc hồi đầu tháng này, nhà báo Việt Hoàng viết rằng lạm phát hiểu một cách đơn giản là sự tăng giá của tất cả các mặt hàng, nhất là thực phẩm, những mặt hàng rất thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Theo nhà báo này thì đành rằng lạm phát đang là tình hình chung trên toàn thế giới nhưng lạm phát tại Việt Nam là cao hơn hẳn so với các nước khác, và điều này càng trở nên nghiêm trọng vì Việt Nam là một nước mà đa số dân chúng còn rất nghèo.

Trong khi đó, ông Adam Sitkoff, Giám Đốc Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng nhận định rằng lạm phát sẽ gây thiệt hại cho người nghèo tại Việt Nam, tuy nhiên theo ông thì lạm phát không phải là yếu tố làm nản lòng các nhà đầu tư. Ông nói rằng mặc dù mức lạm phát cao là điều đáng lo ngại nhưng Việt Nam vẫn còn là một nơi hấp dẫn các nhà đầu tư vì giá sản xuất tại nước này vẫn còn rẻ hơn so với các nước khác trong khu vực.

Những người am tường thời cuộc cho rằng dù giới hữu trách Việt Nam đã đề ra các biện pháp chống lạm phát và giá cả gia tăng trong nước nhưng các biện pháp này có hiệu quả trên thực tế hay không là còn hoàn toàn tùy thuộc vào quyết tâm, khả năng và ý chí của chính quyền Việt Nam.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG