Đường dẫn truy cập

Lạm phát tăng cao nhất trong vòng 12 năm ở Trung Quốc


Tỉ lệ lạm phát tại Trung Quốc đã tăng đến một mức cao nhất trong vòng 12 năm qua sau khi giá thực phẩm liên tục gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các chuyện gia về chính trị đang lo ngại rằng nếu không kiểm soát được mức lạm phát thì tình trạng bất ổn xã hội sẽ nảy sinh. Từ Hồng Kông, thông tín viên Naomi Martig của Đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Các quan chức chính phủ Trung Quốc cho biết tỉ lệ lạm phát tại nước này đã tăng đến mức 8,7%, tức là mức cao nhất kể từ năm 1996. Mức lạm phát này rất đáng lo ngại, thế nhưng một chỉ số khác cũng đang gia tăng còn đáng lo ngại hơn đó là giá thực phẩm vốn đã tăng 23,3% trong tháng trước mà các chuyên gia cho rằng đó chính là nguyên nhân làm tăng giá tất cả mọi thứ.

Theo các số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc, thì giá thịt heo tăng 63% so với cùng thời điểm này năm ngoái; giá rau tươi tăng 46% và giá dầu ăn tăng 41%.

Giá cả đã liên tục gia tăng trong nhiều tháng qua, do mức cầu tăng cao và tình trạng thiếu hụt thịt heo và ngũ cốc. Thêm vào đó, trận bão mùa đông khắc nghiệt quét qua phần lớn lãnh thổ Trung Quốc hồi trước đây trong năm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống giao thông vận tải, góp phần đẩy giá cả tăng mạnh trong tháng 2 vừa qua.

Ông Peter Morgan, kinh tế gia trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Ngân Hàng HSBC ở Hồng Kông, nhận định rằng chính phủ Trung Quốc có thể sắp áp dụng thêm một số biện pháp, chẳng hạn như tăng lãi suất và cắt giảm số tín dụng của ngân hàng nhằm khống chế lạm phát.

Ông Morgan nói: "Chúng tôi cho rằng có thể lãi suất chính sắp được tăng lên thêm 0,27% nữa. Riêng một mức tăng lãi suất như vậy rõ ràng chưa phải là một điều to lớn lắm. Cùng lúc đó có thể chính phủ sẽ tăng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Và tôi nghĩ rằng ngoài ra chính phủ sẽ cố tìm cách khống chế tình trạng giá cả leo lang ở tầm vi mô, bằng cách áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát giá cả."

Ông Robert Broadfoot, giám đốc điều hành Công Ty Tư Vấn về Rủi Ro Chính Trị và Kinh Tế tại Hồng Kông, nói rằng tỉ lệ lạm phát được nhà nước công bố thực ra chưa phản ảnh chính xác con số thực tế bởi chính phủ Trung Quốc còn có nhiều hình thức trợ giá cho hàng hóa của họ.

Ông Broadfoot nói: "Chính phủ Trung Quốc có nhiều hình thức trợ giá cho các mặt hàng bán lẻ, nhiên liệu, và một số thương phẩm. Cách can thiệp bằng chính sách trợ giá này làm tiêu tốn nguồn ngân sách của nhà nước Trung Quốc và làm cho tình hình lạm phát chung trên thế giới càng trở nên trầm trọng hơn."

Chuyên gia này nói tiếp rằng bởi vì tình trạng giá cả tăng vọt tập trung vào giá lương thực thực phẩm, nên tình trạng đó có thể dẫn đến việc dân chúng phản đối nếu vấn đề không được xử lý hết sức thận trọng. Ông nói loại bất ổn xã hội như vậy có thể là một rắc rối lớn đối với chính phủ Trung Quốc trong lúc ngày khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh đang gần kề.

Ông Broadfoot nói: "Nhà chức trách sẽ đối phó với tình hình này như thế nào? Liệu họ có tăng các chế độ trợ giá từ bây giờ cho đến Olympic hay không đểm che giấu thực tại bởi vì họ không muốn mất mặt nếu để xảy ra các vụ biểu tình phản đối trong thời gian Olympic diễn ra. Hay liệu họ sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn và thẳng tay đối với những người biểu tình phản đối."

Tỉ lệ lạm phát đã tăng đến mức 20% vào năm 1988 và giữa thập kỷ 1990, từ đó đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích chính trị nói rằng tỉ lệ lạm pháp cao đã góp phần làm cho dân chúng thêm tức giận khiến dẫn đến biến cố biểu tình đòi dân chủ tại Quảng Trường Thiên An Môn để rồi bị chính phủ thẳng tay đàn áp vào năm 1989.

Tại Trung Quốc, trung bình thực phẩm chiếm khoảng một phần ba chi tiêu của hầu hết mọi người, riêng đối với người nghèo thì chi tiêu cho thực phẩm chiếm đến một nửa thu nhập của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG